Mỹ, Nhật Bản và Philippines lần đầu tổ chức thượng đỉnh ba bên về quốc phòng
Các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Philippines sẽ tới Washington trong tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng, diễn ra ngay sau cuộc tập trận quân sự bốn bên ở Biển Đông.
Hội nghị thượng đỉnh ba bên lần này có thể thiết lập một sự nâng cấp lớn về cơ cấu chỉ huy quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản, cũng như công bố các cuộc tuần tra chung của lực lượng bảo vệ bờ biển với Philippines.
Ngoài ra, chương trình nghị sự cũng sẽ đề cập đến vấn đề đảm bảo quyền tiếp cận các nguồn cung quan trọng như chất bán dẫn và kim loại hiếm, những bất ổn địa chính trị trong khu vực và trên thế giới.
Nhà Trắng cho biết các cuộc đàm phán sẽ "thúc đẩy mối quan hệ đối tác ba bên được xây dựng trên mối quan hệ hữu nghị lịch sử sâu sắc, quan hệ kinh tế bền chặt và ngày càng phát triển... cũng như tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".
Hôm 8/4, trước khi rời Tokyo để đến Washington, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết mối quan hệ Nhật - Mỹ sẽ "trở nên sắt đá hơn bao giờ hết" và chuyến đi của ông sẽ "thể hiện thông điệp này với thế giới".
Ông Kishida sẽ được tiếp đón tại Nhà Trắng vào ngày 10/4 bằng một buổi dạ tiệc và cuộc họp báo ở Vườn Hồng. Sau đó, ông sẽ tham gia cuộc họp thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Biden và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. Thủ tướng Nhật Bản sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 11/4. Ông Biden và ông Marcos cũng sẽ tổ chức các cuộc đàm phán riêng.
Nhật Bản trong những năm gần đây đã thực hiện "một số thay đổi quan trọng" về chính sách quốc phòng kể từ Thế chiến II, theo Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết trước chuyến thăm.
Những thay đổi này bao gồm các kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quân sự, mua tên lửa Tomahawk của Mỹ, nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí, thành lập bộ chỉ huy tác chiến chung cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), cung cấp kinh phí và thiết bị như tàu tuần tra cho các nước trong khu vực và đang đàm phán với Philippines về việc cho phép triển khai quân trên đất của nhau.
Ông Biden và ông Kishida có thể đồng ý nâng cấp cơ cấu chỉ huy và kiểm soát lớn nhất giữa Mỹ và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ để tăng cường sức mạnh quân sự trước bối cảnh những bất ổn địa chính trị trong khu vực và trên thế giới.
Hai nước cũng có thể đồng ý cho phép các tàu chiến lớn của Mỹ tiến hành sửa chữa tại các xưởng đóng tàu tư nhân ở Nhật Bản và cùng sản xuất thiết bị quốc phòng.
Ngọc Ánh (theo AFP)