Mỹ, Nhật, Hàn thắt chặt quan hệ thương mại và quốc phòng
Sự hợp tác mạnh mẽ hơn về chuỗi cung ứng và quốc phòng có thể mang lại lợi ích cho cả 3 quốc gia, trang Nikkei Asia nhận định.
Các cuộc đàm phán giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ là một phép thử đối với cả 3 quốc gia trong việc chuyển động lực hợp tác từ một loạt các biện pháp ngoại giao thành các cơ chế chung tay giải quyết các vấn đề về thương mại, chuỗi cung ứng và quan hệ với Trung Quốc, tờ báo này đánh giá.
"Mỹ đang cố gắng vượt trội Trung Quốc và điều đó đòi hỏi sự phối hợp với các đồng minh", ông Andrew Yeo, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á của Viện Brookings, cho biết.
Ba bên tăng cường vai trò đồng minh
Một chủ đề chính tại các cuộc đàm phán ba bên vào Chủ nhật này (ngày 21/5) sẽ là bảo vệ dòng chảy tự do của hàng hóa công nghệ cao. Ông Yeo thông tin với Nikkei Asia: "Tất cả họ đều hướng tới phát triển nền kinh tế của mình và suy nghĩ về cách bảo vệ chuỗi cung ứng cho nhiều sản phẩm như trí tuệ nhân tạo, người máy hoặc chất bán dẫn".
Trong khi Hàn Quốc không phải là thành viên của G-7, nước này đã được chủ nhà Nhật Bản mời tham dự hội nghị thượng đỉnh cuối tuần tại thành phố Hiroshima.
Cuộc nhóm họp của 3 quốc gia tại G7 lần này hòa cùng một loạt các cuộc họp ngoại giao khác giữa họ thời gian qua. Kể từ tháng 3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên sau 12 năm và ông Yoon đã thành công có một hội nghị thượng đỉnh ở Washington với Tổng thống Joe Biden.
Tất cả các cuộc họp gần đây đều đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ về việc vượt qua những trở ngại và làm việc cùng nhau. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh của Mỹ nhưng những bất đồng liên quan đến lịch sử trong nhiều thập kỷ qua đã cản trở nỗ lực của Washington nhằm đưa hai nước này vào khuôn khổ hợp tác ba bên.
Cả 3 quốc gia đều có mối quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc, nhưng khác nhau về cường độ giao dịch thương mại với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong đó, Hàn Quốc có nền kinh tế định hướng xuất khẩu nên có mối liên hệ rất lớn với Trung Quốc. Một số công ty lớn của nước này, bao gồm Samsung Electronics và Hyundai Motor, đều có hoạt động ở quốc gia láng giềng.
Chuyên gia Yeo cũng đánh giá: "Nếu họ đưa ra bất kỳ tuyên bố ba bên nào, họ sẽ phải điều chỉnh, đàm phán về cách diễn đạt của họ. Người Hàn Quốc có thể thận trọng hơn".
Hàn Quốc và Nhật Bản nỗ lực cải thiện quan hệ
Ông Fumio Kishida và Yoon Suk Yeol cũng sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh song phương vào Chủ nhật và cả hai dự kiến sẽ cùng nhau đến thăm đài tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong vụ ném bom nguyên tử vào thành phố Hiroshima năm 1945. Tại đây có một tượng đài riêng dành cho những người Hàn Quốc đã thiệt mạng.
Sau khi nhậm chức được một năm, ông Yoon Suk Yeol đã dành rất nhiều nỗ lực vào sáng kiến hàn gắn quan hệ với Nhật Bản dù một số tiếng nói trong nước không ủng hộ chính sách này.
"Kể từ tháng 3, một số người dân Hàn Quốc cảm thấy chính phủ của họ đã mềm mỏng quá mức đối với Nhật Bản", ông Nam Ki-jeong, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Đại học Quốc gia Seoul, chia sẻ với Nikkei.
Trong chuyến thăm Seoul gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Kishida cho biết "trái tim ông đau đớn" đối với thiệt hại của những người Hàn Quốc trong lịch sử. Ông Yoon Suk Yeol cũng sẽ trở thành tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm đầu tiên đến thăm Hiroshima. Chuyến đi đến công viên tưởng niệm có thể là cơ hội để bày tỏ lòng tiếc thương chung đối với lịch sử của hai quốc gia và có thể xoa dịu phần nào tâm lý của người dân ở Hàn Quốc.
Ông Cho Jin-goo, giám đốc Trung tâm Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, nhận định quyết định của hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đến thăm đài tưởng niệm cùng nhau là "có ý nghĩa".
Ông Cho nói: "Khi hai nhà lãnh đạo đồng ý hợp tác để hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân và các thế hệ tương lai sẽ đến thăm Hiroshima và Nagasaki, tôi nghĩ điều đó sẽ góp phần vào giao lưu nhân dân và phát triển quan hệ song phương. Hàn Quốc và Nhật Bản có thể hợp tác rất nhiều mặt với tư cách là các quốc gia phi hạt nhân. Sẽ rất tốt nếu cuộc họp G-7 này là cơ hội để khẳng định điều đó."