Mỹ nhờ gửi quân tới Syria, Đức phũ phàng lắc đầu
Hôm 8-7, Đức từ chối lời kêu gọi triển khai bộ binh tới Syria để giúp chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của Mỹ.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chính quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel đảm nhận vai trò quân sự lớn hơn ở Trung Đông.
Đặc phái viên Mỹ tại Syria James Jeffrey trước đó chuyển một yêu cầu chính thức của Washington tới Berlin, kêu gọi nước này triển khai bộ binh để "thay thế một phần lực lượng Mỹ và giúp người Kurd chiến đấu chống tàn quân IS" ở Syria.
Cụ thể, Đức được yêu cầu gửi chuyên gia quân sự, hậu cần và kỹ thuật viên để giúp đỡ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu mà không nhất thiết phải tham gia chiến đấu trực tiếp với IS.
Tuy nhiên, hôm 8-7, chính phủ Đức đã thẳng thừng từ chối đề nghị trên với lý do "không phù hợp với chiến lược chống IS của Berlin". Người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Seibert lưu ý nước ông sẽ tuân thủ các biện pháp trong liên minh chống IS hiện hành nhưng không bao gồm việc triển khai bộ binh.
Hiện tại, Đức cung cấp máy bay trinh sát, máy bay tiếp liệu và chuyên gia quân sự ở Iraq. Đây là một phần trong cam kết của Berlin đối với liên minh quốc tế chống IS.
Reuters nhận định lời từ chối của Đức có thể chọc giận Tổng thống Trump.
Ông Johann Wadephul, phó lãnh đạo nghị viện của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), nói với hãng tin DPA hôm 7-7 rằng Berlin nên xem xét yêu cầu của Washington.
"Trong khu vực này, đó là về an ninh của chúng ta chứ không phải an ninh của Mỹ" – ông Wadephul, người có khả năng thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen và là đồng minh của Thủ tướng Merkel, lập luận.
Trong chuyến thăm Iraq hồi tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas tuyên bố nước này sẵn sàng gia hạn nhiệm vụ chống IS sau tháng 10. Thời điểm đó. Ông Maas thừa nhận đây là "nhiệm vụ sống còn để ngăn chặn IS thiết lập các cấu trúc ngầm mới".
Hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Trump thông báo kế hoạch rút 2.000 lính Mỹ đóng tại Đông Bắc Syria, nơi họ đang hỗ trợ SDF. Liên minh quốc tế chống IS hiện có khoảng 80 quốc gia tham dự.