Mỹ nhờ lãnh đạo công ty mẹ Google hỗ trợ phát triển chip thế hệ tiếp theo
Chính quyền Biden cho biết đã chọn John Hennessy và 4 chuyên gia khác trong ngành công nghệ để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển chip máy tính thế hệ tiếp theo.
Bộ Thương mại Mỹ đã công bố John Hennessy (Chủ tịch Alphabet - công ty mẹ Google) và 4 cá nhân khác được chọn hôm 20.6, theo hãng tin Reuters. Họ sẽ chịu trách nhiệm chọn một hội đồng quản trị để điều hành Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia (NSTC).
Quan hệ đối tác đó đã được ủy quyền để thúc đẩy phát triển chip thế hệ tiếp theo, như một phần của luật nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trị giá 52,7 tỉ USD năm ngoái. Luật này cũng trợ cấp cho các nhà máy chip mới tại Mỹ. Hội đồng quản trị dự kiến sẽ đưa ra các quyết định nhạy cảm về mặt chính trị, gồm cả việc đặt các cơ sở nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia (NSTC) ở đâu tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ - Joe Biden muốn mở rộng ngành sản xuất chip trong nước để tạo ra việc làm được trả lương cao, giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất lớn ở Trung Quốc và Đài Loan, đồng thời mang lại cho Mỹ lợi thế về công nghệ tiên tiến sẽ cung cấp sức mạnh cho các công nghệ quân sự trong tương lai.
Các nhà kinh tế cho rằng mức lạm phát tiêu dùng cao hơn kể từ đại dịch có thể được quy cho nhiều yếu tố, trong đó có nguồn cung không đủ về chip, gây ra tình trạng thiếu ô tô, máy giặt và các hệ thống chơi game.
“Chúng tôi muốn NSTC trở thành động lực đổi mới, hỗ trợ và mở rộng vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, kỹ thuật và sản xuất chất bán dẫn trong nhiều thập kỷ tới. Hội đồng được tuyển chọn này là bước tiếp theo để giúp chúng tôi xây dựng NSTC và đảm bảo nó thành công qua nhiều thế hệ", Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo tuyên bố.
John Hennessy là giáo sư khoa học máy tính và kỹ thuật điện tại Đại học Stanford (Mỹ).
Ngoài John Hennessy, hội đồng được tuyển chọn này còn có Janet Foutty (cựu lãnh đạo Deloitte Consulting - công ty hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp và dịch vụ chuyên nghiệp), Jason Matheny (Giám đốc điều hành tổ chức lợi nhuận phi đảng phái RAND Corp), Don Rosenberg (nhà đầu tư mạo hiểm tại hãng Anzu Partners và cựu Phó chủ tịch điều hành Qualcomm) và Brenda Wilkerson (chủ tịch một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục).
Ông Biden: Cần giải quyết những rủi ro do AI gây ra với an ninh, kinh tế
Hôm 20.6, Tổng thống Joe Biden cho biết những rủi ro của trí tuệ nhân tạo (AI) với an ninh quốc gia và nền kinh tế cần phải được giải quyết, đồng thời nói thêm rằng ông sẽ tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia.
“Chính quyền của tôi cam kết bảo vệ quyền và sự an toàn của người Mỹ, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư, giải quyết thông tin sai lệch và thiên vị, đảm bảo hệ thống AI an toàn trước khi chúng được tung ra”, ông Biden nói tại sự kiện về AI ở thành phố San Francisco (Mỹ).
Tổng thống Mỹ đã gặp một nhóm nhà lãnh đạo và đấu tranh xã hội dân sự từng chỉ trích sự ảnh hưởng của các hãng công nghệ lớn, để thảo luận về AI.
"Tôi muốn nghe trực tiếp từ các chuyên gia", ông Biden nói.
Một số chính phủ đang xem xét cách giảm thiểu sự nguy hiểm của AI, vốn đã trải qua sự bùng nổ về đầu tư và sự phổ biến với người tiêu dùng những tháng gần đây sau khi OpenAI phát hành ChatGPT hồi tháng 11.2022.
Cuộc họp của ông Biden hôm 20.6 còn có Gavin Newsom (Thống đốc bang California), Tristan Harris (Giám đốc điều hành Trung tâm Công nghệ Nhân đạo), Joy Buolamwini (người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Algorithmic Justice League) và Giáo sư Rob Reich của Đại học Stanford.
Các cơ quan quản lý trên toàn cầu đã gấp rút đưa ra các quy tắc quản lý việc sử dụng generative AI. Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn. Tác động của generative AI được so sánh với internet.
Ông Biden gần đây cũng đã thảo luận về vấn đề AI với các nhà lãnh đạo thế giới khác, gồm cả Thủ tướng Anh - Rishi Sunak. Chính quyền Rishi Sunak sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về an toàn AI vào cuối năm nay.
Ngoài ra, ông Biden dự kiến sẽ thảo luận về chủ đề này với Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi khi vị lãnh đạo quốc gia Nam Á đang có chuyến thăm Mỹ.
Vào tuần trước, các nhà làm luật của Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý về những thay đổi trong dự thảo quy tắc về AI do Ủy ban châu Âu đề xuất nhằm thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho công nghệ được sử dụng trên nhiều thứ, từ nhà máy tự động hóa, ô tô tự lái cho đến chatbot.
Cuộc chiến giành quyền thống trị AI đã làm dấy lên mối lo ngại với các nhà quản lý. Họ lo lắng về những rủi ro mà công nghệ này gây ra.
Đầu tháng 5, ông Joe Biden đã gặp giám đốc điều hành các công ty AI hàng đầu (OpenAI, Alphabet, Microsoft và Anthropic) tại buổi họp ở Nhà Trắng để nói rõ rằng họ phải đảm bảo sản phẩm của mình an toàn trước khi được triển khai ra công chúng.
“Những gì bạn đang làm có tiềm năng to lớn và nguy hiểm cũng rất lớn. Tôi biết bạn hiểu điều đó. Tôi hy vọng bạn có thể giới thiệu cho chúng tôi về những gì bạn nghĩ là cần thiết nhất để bảo vệ xã hội cũng như sự tiến bộ”, ông Joe Biden cho hay.
Kamala Harris - Phó tổng thống Mỹ nói với các giám đốc điều hành rằng họ có nghĩa vụ về “đạo đức” để bảo vệ xã hội khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ AI.
Sau cuộc họp, bà Kamala Harris cho biết các hãng công nghệ lớn “phải tuân thủ luật pháp hiện hành để bảo vệ người dân Mỹ cũng như đảm bảo an toàn và bảo mật cho các sản phẩm của họ”.
Nhà Trắng đã sử dụng cuộc họp đó để công bố các hành động mới nhằm “thúc đẩy sự đổi mới có trách nhiệm của Mỹ trong lĩnh vực AI”. Điều đó bao gồm cả việc cấp quỹ 140 triệu USD để mở rộng nghiên cứu AI và thiết lập một hệ thống đánh giá sẽ hợp tác với các hãng công nghệ lớn để “khắc phục sự cố”.
Ông Biden đã thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua luật thiết lập các giới hạn chặt chẽ hơn với lĩnh vực công nghệ, song những nỗ lực này có rất ít cơ hội thành công do sự chia rẽ chính trị.
Việc thiếu các quy định đã cho phép Thung lũng Silicon tự do tung ra các sản phẩm mới một cách nhanh chóng và làm dấy lên lo ngại rằng các công nghệ AI sẽ tàn phá xã hội trước khi chính phủ Mỹ có thể bắt kịp.
Những rủi ro từ AI như khả năng sử dụng nó để lừa đảo, tạo bản sao giọng nói, video deepfake và thông điệp được viết đầy thuyết phục. AI cũng là mối đe dọa với người làm công việc văn phòng, đặc biệt là việc không yêu cầu kỹ năng cao, thường liên quan đến xử lý tài liệu, nhập liệu, quản lý cơ sở dữ liệu, hỗ trợ khách hàng…
“Việc đối phó với các vấn đề liên quan đến AI trước khi chúng trở nên quá phức tạp là điều tốt. Đó chắc chắn sẽ là một thách thức nhưng là điều mà tôi nghĩ chúng ta có thể xử lý”, Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, nói với các phóng viên.