Mỹ 'nhức óc' đối phó tên lửa chống hạm Trung Quốc

Tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ hoàn toàn lép vế trước kho tên lửa diệt hạm Trung Quốc đa dạng, tối tân.

Theo hãng thông tấn Sputnik, lần gần đây nhất Hải quân Mỹ đánh chìm một tàu chiến của nước khác là cách đây 27 năm và từ đó cho tới nay lịch sử hải quân đã có quá nhiều sự thay đổi. Với sự vươn lên không ngừng của Trung Quốc đối trọng mới của Mỹ tại Thái Bình Dương, đặc biệt là nước này sở hữu kho tên lửa chống hạm mạnh mẽ hơn rất nhiều lần so với Mỹ.

Trong khi đó, dòng tên lửa chống hạm chủ lực của Hải quân Mỹ hiện tại là Harpoon lại được đưa vào sử dụng từ cuối những năm 1970. Nếu xét về tính năng cũng như khả năng tác chiến các tên lửa chống hạm Trung Quốc đều tỏ ra vượt trội hơn Harpoon. Nhất là khi Trung Quốc giới thiệu tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D được mệnh danh là “sát thủ” tàu sân bay.

Hải quân Mỹ hiện tại đang tìm cách nâng cấp các tên lửa chống hạm của mình. Một trong những nỗ lực đó là phát triển biến thể tên lửa Tomahawk dành cho chống hạm sẽ được Hải quân Mỹ đưa vào thử nghiệm trong tháng 1/2016 và nếu kết quả khả quan biến thể này sẽ được đưa vào trang bị trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh việc nâng cấp hệ thống tên lửa chống hạm, Hải quân Mỹ còn tăng sức mạnh hệ thống phòng vệ trên các tàu chiến của nước này nhất là với các tàu sân bay. Một trong bước đi đầu tiên là việc Hải quân Mỹ đưa vào trang bị hệ thống tên lửa phòng không trên hạm SeaRAM nhằm thay thế cho các hệ thống vũ khí đánh chặn tầm gần đã lỗi thời.

Tuy nhiên, dù có sử dụng biện pháp đối phó nào thì Hải quân Mỹ cũng cần phải nâng cấp các tên lửa chống hạm Harpoon của nước này, bởi "cách phòng thủ tốt nhất chính là tấn công".

Tuy được xếp vào hàng "sát thủ diệt hạm", nhưng giới hạn lớn nhất của Harpoon chính là tầm bắn hạn chế của nó chỉ từ 124km và tùy phiên bản khác nhau tầm bắn của Harpoon có thể được cải thiện nhưng nhìn chung, nó không thể so sánh được với tên lửa chống hạm của Nga hay Trung Quốc. Một tên lửa Harpoon được trang bị một đầu đạn nặng 221kg và có thể đạt tới vận tốc 863km/h khi di chuyển đến gần mục tiêu.

Trong năm 2015, Tập đoàn Boeing cũng công bố kế hoạch nâng cấp tên lửa Harpoon với trọng tâm là cải thiện tầm bắn hiệu quả từ 130km lên tới 240km. Ngoài ra, biến thể này còn được trang bị mẫu đạn mới với trọng lượng chỉ khoảng 140kg, nhưng vẫn đảm bảo khả năng tác chiến hiệu quả của Harpoon.

Dẫu vậy, khoảng cách giữa tên lửa chống hạm Mỹ và Trung Quốc vẫn khá xa, khi Bắc Kinh đã sở hữu và đưa vào trang bị các tổ hợp tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa DF-21D có tầm bắn lên tới 1.450km và chúng có thể được trang bị nhiều loại đầu đạn khác nhau kể cả đầu đạn hạt nhân. Chính vì lý do này DF-21D đang trở thành mối lo ngại của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ khi nó được triển khai dọc eo Biển Đài Loan hay gần vùng biển Nhật Bản.

Ngoài DF-21D, một cái tên khác cũng khiến Hải quân Mỹ lo ngại là tên lửa hành trình chống hạm siêm âm C-803 của Trung Quốc với tầm bắn 180km và có thể lên tới 255km đối với phiên bản không đối hải. C-803 hay còn được gọi là YJ-83 là dòng tên lửa chống hạm chủ lực đang được trang bị trên các tàu chiến thế hệ mới của Hải quân Trung Quốc, bên cạnh đó nó cũng có thể được triển khai trên đa nền tảng khác nhau.

Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà Trung Quốc sở hữu khi nước này còn có mẫu tên lửa hành trình chống hạm tầm xa YJ-62 với tầm bắn tối đa lên tới 290km và có thể mang theo một đầu đạn nặng tới 480kg đối với biến thể CM-602G. Với sức mạnh mà YJ-62 được trang bị nó có thể dễ dàng bắn chìm bất cứ tàu chiến nào của Hải quân Mỹ.

Tuấn Đặng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/my-nhuc-oc-doi-pho-ten-lua-chong-ham-trung-quoc-606295.html