Mỹ: Nỗ lực mua lại dầu để lấp đầy SPR còn nan giải
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang dần đưa dầu trở lại Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR), sau khi bán số lượng kỷ lục từ kho dự trữ khẩn cấp vào năm 2022.
Dưới đây là một số thông tin thực tế về SPR và những nỗ lực của Mỹ trong quá trình mua lại dầu để lấp đầy SPR.
SPR là gì?
Đây là kho dự trữ dầu khẩn cấp lớn nhất thế giới được Mỹ tạo ra vào năm 1975, sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập làm tăng giá xăng và gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Các tổng thống đã khai thác kho dự trữ để bình ổn thị trường dầu mỏ trong thời kỳ chiến tranh, hoặc khi các cơn bão tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ dọc Vịnh Mexico của Mỹ. Dầu được chứa trong các hang động ngầm được canh gác nghiêm ngặt tại bốn địa điểm trên bờ biển Texas và Louisiana.
Bao nhiêu dầu được bán năm 2022?
Vào năm 2022, chính quyền Mỹ tuyên bố bán 180 triệu thùng trong vòng 6 tháng từ SPR, đợt bán lớn nhất từ trước đến nay, trong nỗ lực kiểm soát giá nhiên liệu sau cuộc xung đột ở Ukraine. Bộ Năng lượng cũng đã tiến hành bán 38 triệu thùng vào năm 2022 theo luật được Quốc hội thông qua.
Bao nhiêu dầu được trả lại kho?
Chính quyền đã mua lại 13,82 triệu thùng dầu khai thác trong nước, có hàm lượng lưu huỳnh cao hoặc có tính axit tương đối cao mà nhiều nhà máy lọc dầu của Mỹ được thiết kế để chưng cất thành nhiên liệu.
Chính quyền cũng đã hoàn trả gần 4 triệu thùng cho SPR trong vài tháng, từ các khoản dầu cho các công ty dầu mỏ vay. Dự kiến, dầu sẽ được trả về vào tháng 2 thay vì giữa năm.
Các quan chức của Bộ Năng lượng cho biết tốc độ mua lại đang được giảm bớt do hoạt động bảo trì kéo dài tuổi thọ theo kế hoạch tại hai trong số bốn địa điểm SPR.
Các nhà phân tích cho biết, việc mua lại nhanh chóng với khối lượng lớn cũng có thể có nguy cơ đẩy giá dầu và xăng lên cao, trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
SPR có bao nhiêu dầu?
Hiện kho dự trữ chứa 354,4 triệu thùng, gần 60% trong số đó là dầu thô chua.
Doanh số bán hàng vào năm 2022 đã đẩy SPR xuống mức thấp nhất trong khoảng 40 năm, và ngay cả khi thực hiện mua lại, mức này vẫn duy trì ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 1983.
Điều đó khiến một số thành viên Đảng Cộng hòa tức giận, cáo buộc chính quyền Đảng Dân chủ đã để lại cho Mỹ một “vùng đệm cung ứng” mỏng manh để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai.
Chính quyền cho biết họ có "Chiến lược 3 hướng" để đưa dầu trở lại kho dự trữ. Chiến lược này bao gồm cả việc mua lại dầu, các công ty trả lại dầu đã vay từ SPR và làm việc với Quốc hội để hủy bỏ việc bán 140 triệu thùng dầu từ SPR cho đến năm 2027 theo quy định của Quốc hội. Việc bán 140 triệu thùng này đã được các nhà lập pháp của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa bỏ phiếu trong các luật trước đó.
Mỹ, nước đang khai thác dầu với khối lượng kỷ lục với dự kiến sẽ tăng nhiều hơn trong năm nay, cũng có nhiều dầu thô trong SPR hơn mức cần thiết với tư cách là thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris, cơ quan giám sát năng lượng của phương Tây. Theo thỏa thuận, Mỹ duy trì giữ nhập khẩu xăng dầu ròng trong 90 ngày.
Mỹ muốn mua lại dầu với giá nào?
Chính quyền cho biết họ đã bán được 180 triệu thùng với giá trung bình khoảng 95 USD/thùng. Họ muốn mua lại dầu với giá 79 USD/thùng hoặc thấp hơn. Giá dầu WTI hiện tại khoảng 72 USD/thùng cho phép họ mua lại dầu với giá như vậy. Nhưng giá có thể tăng trở lại do nguy cơ chiến tranh ở Gaza mở rộng sang Trung Đông hoặc ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Chính quyền có tiền để mua thêm không?
Theo ClearView Energy Partners, một nhóm nghiên cứu phi đảng phái, Bộ Năng lượng còn khoảng 3,67 tỷ USD trong quỹ mua lại SPR, đủ để mua khoảng 46,5 triệu thùng với mức giá 79 USD/thùng.
Bộ này cho biết họ sẽ công bố kế hoạch hằng tháng để mua lại dầu theo từng đợt, ít nhất là cho đến tháng 5.
Vào ngày 3/1, Mỹ đã thông báo hợp đồng mua dầu cuối cùng lên tới 3 triệu thùng, giao vào tháng 4.