Mỹ nói gì về chuyến thăm Triều Tiên của Nga và Trung Quốc?
Trung Quốc và Nga sẽ là những quốc gia đầu tiên cử các phái đoàn sang thăm Triều Tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Sau nhiều năm tự cô lập vì đại dịch, Triều Tiên đã mời các phái đoàn cấp cao của Trung Quốc và Nga đến dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và cuộc đấu tranh chống lại Mỹ cùng các đồng minh (27/7/1953).
Các quan chức đến thăm, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Hồng Trung dự kiến sẽ tham dự một cuộc duyệt binh lớn giới thiệu những vũ khí tân tiến nhất của nước này.
Ông Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul cho biết, cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng có thể có sự tham gia của khoảng 15.000 binh sĩ.
Phái đoàn của Nga và Trung Quốc sẽ là những phái đoàn nước ngoài đầu tiên sang thăm Triều Tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Các chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh và Moscow nhằm cạnh tranh với Washington và phương Tây.
“Việc Triều Tiên mời phái đoàn từ cả 2 nước cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị đứng lên chống lại phương Tây, nhưng nhận thấy sự cần thiết phải duy trì mối quan hệ tương đối cân bằng với cả Trung Quốc và Nga”, ông Anthony Rinna, một chuyên gia về quan hệ Hàn Quốc - Nga cho biết.
Chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu các chuyến thăm có báo hiệu việc Triều Tiên nới lỏng lệnh cấm đi lại quốc tế hay không. Tuy nhiên, giáo sư Yang cho rằng việc các phái đoàn sang thăm có thể báo hiệu rằng các chuyến thăm ngoại giao bị đình trệ từ lâu có thể nối lại.
Đánh giá về các chuyến thăm này, ông Vedant Patel, phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Trung Quốc và Nga có vai trò trong việc đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán”. Ông cũng nhấn mạnh rằng 2 quốc gia này cũng được yêu cầu làm như vậy với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC).
Cả Nga và Trung Quốc đều có thể đảm nhiệm những vai trò tiềm năng, ví dụ như sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên để khuyến khích quốc gia này kiềm chế hành vi đe dọa trái pháp luật, không chỉ kích động căng thẳng ở địa phương mà còn ở cả khu vực rộng lớn hơn”, ông Patel phát biểu trong một cuộc họp báo.
Trước các lệnh trừng phạt quốc tế đối với các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên (mà cả Moscow và Bắc Kinh đều bỏ phiếu áp đặt), Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
Bắc Kinh hôm 25/7 khẳng định, quốc gia này vẫn đang nghiêm túc thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga không ủng hộ nỗ lực áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên của Mỹ và một số nước châu Âu.
Thay vào đó, họ đã thúc đẩy các biện pháp nhằm lôi kéo Bình Nhưỡng trở lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, vốn vẫn bế tắc kể từ năm 2019.
Theo ông Patel, Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên. “Chúng tôi sẵn sàng gặp Bình Nhưỡng mà không cần điều kiện tiên quyết, và cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”, ông Patel khẳng định.
Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine, bao gồm cả tên lửa bộ binh và tên lửa cho nhóm lính đánh thuê Wagner vào tháng 11/2022. Bình Nhưỡng và Moscow đã phủ nhận những cáo buộc này, nhưng ông Kim đã tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác chiến lược giữa các quốc gia.
Nguyễn Tuyết (Theo Yonhap, Reuters)