Mỹ nối kết thành công thỏa thuận ngừng bắn Armenia-Azerbaijan
Chưa rõ số phận thỏa thuận ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan do Mỹ nối kết liệu có chết yểu giống hai thỏa thuận trước do Nga và Pháp làm trung gian hay không.
Hãng tin AFP dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25-10 cho biết Mỹ đã kết nối thành công để Armenia và Azerbaijan cùng thống nhất một “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo” tại vùng Nagorno-Karabakh.
Thỏa thuận ngừng bắn này có hiệu lực vào 8 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 26-10, theo thông báo chung của Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) được thành lập với nhiệm vụ kết nối đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Armenia-Azerbaijan.
Mỹ bận rộn nối kết đàm phán
Thỏa thuận ngừng bắn này đạt được sau các cuộc gặp tại thủ đô Washington (Mỹ) giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun với Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan cũng như với Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov và với cả các đại diện đồng chủ tịch Nhóm Minsk (gồm Mỹ, Nga, Pháp).
Trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mô tả quá trình đàm phán rất “căng thẳng”.
Trước đó, ngày 23-10 Ngoại trưởng Pompeo đã có các cuộc gặp riêng với Ngoại trưởng Armenia và Ngoại trưởng Azerbaijan, đề nghị họ “chấm dứt bạo lực và bảo vệ dân thường”.
Các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn sau hậu trường trong ngày 24-10 tại thủ đô Washington, với các cuộc gặp giữa ông Biegun và các cuộc gọi từ Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien với Thủ tướng Armenia Nikol Pachinian và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.
“Chúc mừng tất cả họ với việc đồng ý tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn hôm nay. Sinh mạng sẽ được cứu ở cả hai nước” – ông O’Brien viết trên Twitter ngày 25-10.
Trong ngày 25-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump chúc mừng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev về thỏa thuận ngừng bắn.
“Chúc mừng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, những người vừa mới đồng ý giữa đêm nay về việc sẽ tôn trọng một thỏa thuận ngừng bắn. Sẽ có nhiều sinh mạng được cứu” – ông Trump viết trên Twitter.
Tổng thống Trump đã hứa sẽ giải quyết cuộc xung đột. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các đại diện Chủ tịch và các ngoại trưởng Nhóm Minsk “đồng ý sẽ gặp lại ở Geneva vào ngày 29-10” để tìm “mọi bước đi cần thiết để đạt được một sự dàn xếp hòa bình cho xung đột Nagorno-Karabakh”.
Liệu thỏa thuận ngừng bắn thứ ba này có tồn tại lâu?
Phía Azerbaijan trong ngày 25-10 đã hoan nghênh thỏa thuận, tuy nhiên cũng đổ lỗi cho Armenia trong việc các thỏa thuận ngừng bắn trước kia bị vi phạm.
“Chúng tôi đề nghị Armenia quan sát lệnh ngừng bắn và chấm dứt các hành động quân sự khiêu khích như đã đồng ý. Azerbaijan cam kết mạnh mẽ sẽ đạt được hòa bình, và số dân thường Azerbaijan chết trong những tuần rồi cho thấy ai là kẻ hiếu chiến” – Đại sứ Azerbaijan tại Mỹ, ông Elin Suleymanov tuyên bố.
Tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn cho vùng Nagorno-Karabakh là điều rất được các lãnh đạo thế giới chú trọng hiện này, khi giao tranh ở vùng này đã làm khoảng 5.000 người chết từ khi bắt đầu từ ngày 27-9, theo ước tính của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước khi có thỏa thuận ngừng bắn nhờ sự kết nối của Mỹ, hai nước Armenia và Azerbaijan cũng đã thống nhất hai thỏa thuận ngừng bắn ở vùng Nagorno-Karabakh, nhờ sự kết nối của Nga và Pháp, nhưng cả hai thỏa thuận đều bị vi phạm chỉ sau vài giờ có hiệu lực. Chưa biết số phận thỏa thuận ngừng bắn nhờ công nối kết của Mỹ sẽ thế nào.
Không thể bác bỏ việc đàm phán được thỏa thuận ngừng bắn này là một thành công. Tuy nhiên ngoài ‘thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo” này, cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể thương lượng thống nhất được một thỏa thuận đình chiến lâu dàu hay thậm chí một hướng ra hòa bình cho cuộc xung đột. Hơn thế nữa, ngày 21-10 phía Armenia đã bác bỏ bất kỳ “giải pháp ngoại giao” nào.
Mỹ vẫn nói quan điểm của mình là trung lập trong cuộc xung đột. Tuy nhiên trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây ông Pompeo có mô tả hành động của phía Armenia mang tính phòng thủ.