Mỹ nới lỏng lệnh cấm về vũ khí giúp Ukraine bảo vệ Kharkiv dễ hơn

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nới lỏng lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ bên trong lãnh thổ Nga nhưng đi kèm với những điều kiện nhất định.

Hôm 30/5, một số quan chức Mỹ giấu tên đã nói với nhiều cơ quan truyền thông rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tập kích các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, nhưng chỉ để bảo vệ điểm nóng Kharkiv (Kharkov) khỏi hỏa lực của Moscow.

Quyết định này, mặc dù đi kèm với một số điều kiện, đánh dấu sự thay đổi chính sách của ông Biden, người lâu nay đã từ chối cho phép Kiev sử dụng vũ khí Mỹ bên ngoài biên giới Ukraine, và được đưa ra sau khi Pháp, các nước châu Âu khác đã “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí của họ nhắm vào các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.

Giữa cuộc tranh luận, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29/5 đã cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu Nga bị tấn công bằng vũ khí phương Tây.

Chưa có bình luận ngay lập tức từ Moscow về quyết định mới nhất của ông Biden, theo đó Kiev được phép tấn công các mục tiêu quân sự ở biên giới với khu vực Kharkiv, nơi Nga đã bắt đầu một cuộc tấn công mới kể từ ngày 10/5.

“Tổng thống gần đây đã chỉ đạo cấp dưới của mình đảm bảo rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho mục đích phản công ở khu vực Kharkiv để Ukraine có thể đánh trả các lực lượng Nga đang tấn công họ hoặc chuẩn bị tấn công họ”, một quan chức Mỹ nói với các hãng tin Reuters, AFP và AP. Cơ quan truyền thông đầu tiên đưa tin về sự thay đổi này là Politico.

Ukraine muốn sử dụng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) tấn công sâu hơn vào Nga theo hướng Kharkiv, khu vực nằm cách biên giới với Nga chỉ khoảng 30 km. Ảnh: The Telegraph

Ukraine muốn sử dụng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) tấn công sâu hơn vào Nga theo hướng Kharkiv, khu vực nằm cách biên giới với Nga chỉ khoảng 30 km. Ảnh: The Telegraph

Theo The Guardian, Ukraine chỉ được phép sử dụng “một số” vũ khí do Mỹ sản xuất. Các giới hạn trong việc sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ như Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) sẽ vẫn được duy trì.

“Chính sách của chúng tôi về việc cấm sử dụng ATACMS hoặc tấn công tầm xa bên trong lãnh thổ Nga không thay đổi”, một quan chức Mỹ nói với The Guardian.

Theo tờ báo, sự thay đổi chính sách bắt đầu ngay sau khi Nga phát động cuộc tấn công mới vào Kharkiv. Theo các nguồn tin quen thuộc với quyết định này, phía Ukraine đã đưa ra yêu cầu với phía Mỹ trong một cuộc họp video vào ngày 13/5 với Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Tướng Charles Brown.

Các ông Austin, Brown và Sullivan sau đó đã đồng ý đề xuất thay đổi và ông Sullivan đã trình đề xuất này lên Tổng thống Biden vào ngày 15/5.

Ông Biden đồng ý, miễn là việc Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ bên ngoài biên giới được tập trung và giới hạn ở các lực lượng trực tiếp tấn công họ. Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trở về từ Kiev, ông đã được hỏi ý kiến và đồng ý.

Kể từ đó, chính quyền Biden đã tập trung vào việc hoàn thiện chính sách mới với mục đích đảm bảo hạn chế tối đa những hậu quả không lường trước được.

Đạn cỡ nòng 155mm của Mỹ tại nhà máy đạn dược quân đội Scranton ở Pennsylvania, tháng 4/2024. Ảnh: Getty Images

Đạn cỡ nòng 155mm của Mỹ tại nhà máy đạn dược quân đội Scranton ở Pennsylvania, tháng 4/2024. Ảnh: Getty Images

“Tôi nghĩ sự thay đổi trước mắt là Ukraine sẽ có thể sử dụng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), nghĩa là họ có thể tấn công mục tiêu hiệu quả hơn ở độ sâu lớn hơn”, ông Rob Lee, thành viên cấp cao trong chương trình Á-Âu của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) có trụ sở tại Mỹ, cho biết.

Theo ông Lee, Ukraine đã phải chịu tổn thất cao hơn do pháo binh dọc tiền tuyến ở Kharkiv trong những tuần gần đây, có lẽ vì họ phải hoạt động gần tiền tuyến hơn và Nga đã nhắm mục tiêu thành công vào họ bằng các máy bay không người lái cảm tử (kamikaze drone) Lancet.

Nhờ sự nới lỏng lệnh cấm về vũ khí của Mỹ, Ukraine có thể sử dụng “hỏa thần” HIMARS để nhắm mục tiêu vào pháo binh, các hệ thống tên lửa phóng loạt, đội UAV, hệ thống tác chiến điện tử và các trạm chỉ huy và kiểm soát của Nga, ông Lee cho biết.

“Chưa rõ sẽ có sự thay đổi như thế nào trên tiền tuyến ở Kharkiv. Nhưng điều này sẽ khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc tiếp tục các hoạt động tấn công theo hướng đó. Vì vậy, điều này sẽ giúp Ukraine bảo vệ Kharkiv dễ dàng hơn”, vị chuyên gia nhận xét.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, The Guardian)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/my-noi-long-lenh-cam-ve-vu-khi-giup-ukraine-bao-ve-kharkiv-de-hon-a666266.html