Mỹ nói tàu công vụ qua kênh đào Panama 'miễn phí', cơ quan thu phí nói 'không'
Cơ quan quản lý kênh đào Panama ngày 5-2 bác bỏ tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng tàu chính phủ Mỹ có thể đi qua kênh đào mà không phải trả phí.
Động thái trên có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama.
Trong một tuyên bố chính thức, Cơ quan quản lý Kênh đào Panama khẳng định không có bất kỳ thay đổi nào liên quan đến phí hoặc quyền đi qua kênh đào Panama.
Đồng thời, cơ quan này nêu rõ rằng tuyên bố của họ nhằm phản hồi trực tiếp cho các tuyên bố từ phía Washington. Theo hãng tin Reuters, Cơ quan quản lý Kênh đào Panama dù hoạt động tự chủ những vẫn chịu sự giám sát của chính phủ Panama.
![Kênh đào Panama. Ảnh: Baidu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_15_51412280/2897382f0061e93fb070.jpg)
Kênh đào Panama. Ảnh: Baidu
Cơ quan quản lý kênh đào khẳng định: "Cơ quan quản lý Kênh đào Panama, với trách nhiệm hoàn toàn, một lần nữa khẳng định sẵn sàng đối thoại với các quan chức Mỹ liên quan đến việc tàu chiến của nước này quá cảnh".
Trước đó, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chính phủ Panama đã đồng ý miễn phí qua kênh đào cho tàu chính phủ Mỹ, giúp Washington tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm.
Panama trở thành một vấn đề nóng dưới thời ông Trump. Tổng thống Trump cáo buộc quốc gia Trung Mỹ này áp đặt mức phí quá cao đối với các tàu Mỹ sử dụng kênh đào Panama, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.
Hồi tháng 1, ông Trump phát biểu: "Nếu các nguyên tắc đạo đức và pháp lý của hành động vĩ đại này không được tuân thủ, chúng tôi sẽ yêu cầu kênh đào Panama được trả lại cho Mỹ, hoàn toàn và không cần thắc mắc".
Ngoài ra, ông Trump cũng nhiều lần cáo buộc Panama đã trao quyền kiểm soát kênh đào này cho Trung Quốc. Tuy nhiên, cả Panama lẫn Bắc Kinh đều bác bỏ cáo buộc này.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã gặp Tổng thống Panama Jose Raul Mulino nhân chuyến công du Trung Mỹ. Tại cuộc gặp, ông Mulino cam kết rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Trước đây, ông Mulino từng nhiều lần khẳng định sẽ không để Mỹ giành lại quyền kiểm soát kênh đào.
Reuters cho biết Mỹ từng xây dựng và kiểm soát kênh đào Panama trong nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên, hai nước đã ký kết hai hiệp ước vào năm 1977, mở đường cho việc chuyển giao hoàn toàn kênh đào cho Panama. Sau một giai đoạn quản lý chung, Mỹ đã bàn giao toàn bộ quyền kiểm soát kênh đào cho Panama vào năm 1999.