Mỹ nói thông tin Trung Quốc xua đuổi khu trục hạm nước này ở Biển Đông là 'sai sự thật'
Hải quân Mỹ khẳng định tuyên bố của Trung Quốc về việc khu trục hạm USS Milius của nước này bị xua đuổi khỏi Biển Đông là 'sai sự thật'.
Hôm 23/3, quân đội Trung Quốc cho biết, Hải quân nước này đã theo dõi và "tiến hành xua đuổi" khu trục hạm USS Milius thuộc lớp Arleigh Burke khi con tàu này đang đi vào biển quanh khu vực đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông (đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Hải quân Mỹ sau đó đã lên tiếng phản bác tuyên bố của quân đội Trung Quốc, đồng thời khẳng định tàu khu trục của lực lượng này đang trong quá trình "thực hiện các hoạt động thường lệ" tại Biển Đông. Phía Mỹ cũng nhấn mạnh tàu USS Milius đã hoạt động bình thường và không chịu sự tác động từ bất cứ lực lượng nào.
"Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động đường không và đường thủy trong khu vực dựa theo quy định của luật pháp quốc tế", tuyên bố của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ viết.
Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc.
Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) đầu tiên của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu Aegis. Đây là một trong những tổ hợp tác chiến hiện đại và phức tạp nhất thế giới, biến khu trục hạm lớp Arleigh Burke thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo do Mỹ phát triển.
Lớp Arleigh Burke cũng là nền tảng để các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển lực lượng tàu chiến mặt nước chủ lực.
Điểm nhấn của tàu Burke là hệ thống radar Aegis, nó có thể chỉ huy nhiều loại tên lửa phòng không tấn công mục tiêu đang tiếp cận.
Tàu được trang bị 6 ngư lôi đối ngầm Mk.46. Các máy bay trực thăng săn ngầm MH-60R trên tàu có khả năng săn ở tầm xa. Ngoài ra tàu còn được trang bị pháo hạm lớn và các loại tên lửa đối không, đối đất và đối hạm.
Theo Reuters, Military Today