Mỹ: Ông Biden hối thúc Thượng viện thông qua gói cứu trợ 1.900 tỉ USD

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong chuyến công du tại thành phố quê nhà Milwaukee, bang Wisconsin ngày 16/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

* Mỹ áp đặt các biện pháp đi lại với các nước bị dịch Ebola tấn công

Ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh việc hạ viện nước này thông qua gói cứu trợ dịch COVID-19 khổng lồ trị giá 1.900 tỉ USD.

Trong thông báo gửi đi từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden cho biết: "Tôi hy vọng gói cứu trợ sẽ nhận được phản ứng nhanh chóng. Chúng ta không còn thời gian để lãng phí. Nếu hành động ngay lúc này, cần dứt khoát, nhanh chóng và mạnh dạn, chúng ta cuối cùng cũng có thể vượt lên trên tình hình hiện nay".

Theo Tổng thống Mỹ, cuộc bỏ phiếu tại hạ viện "đồng nghĩa với việc nước này tiến một bước gần hơn trong quá trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19", cũng như hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Tổng thống Biden cũng khẳng định gói cứu trợ mới sẽ giúp mở cửa lại trường học an toàn, giúp chính quyền các bang và địa phương tránh tình trạng "phải sa thải nhiều nhân viên thiết yếu".

Trước đó, với 219 phiếu thuận và 212 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ dịch COVID-19 khổng lồ trị giá 1.900 tỉ USD.

Gói hỗ trợ kinh tế của chính quyền Tổng thống Biden có quy mô gấp đôi gói hỗ trợ mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Chính quyền Mỹ cho biết khoản ngân sách lớn trên gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, gia hạn trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp, tài trợ tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19, hỗ trợ 129 tỉ USD cho các trường học, tăng tín dụng thuế thu nhập và kế hoạch tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ vào năm 2025.

Các biện pháp này được kỳ vọng có thể tạo đà cho sự phục hồi kinh tế của nước Mỹ. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cam kết thúc đẩy chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19, vốn được xem là thách thức tài chính, y tế và hậu cần mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ phải giải quyết trong nhiệm kỳ này.

Được phê chuẩn 4 ngày sau khi số ca tử vong do mắc COVID-19 ở Mỹ vượt con số 500.000 người, gói cứu trợ mới được Tổng thống Joe Biden ủng hộ và được các đảng viên Dân chủ miêu tả là cấp bách hiện sẽ được đưa ra xem xét tại thượng viện vào tuần tới.

* Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa công bố các biện pháp đi lại mới đối với những người đến Mỹ từ các nước đã bùng phát dịch bệnh Ebola.

Thông báo nêu rõ, bắt đầu từ tuần tới, hành khách đi từ Guinea và CHDC Congo sẽ được chuyển hướng đến sáu sân bay của Mỹ để Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh có thể theo dõi và tiếp tục theo dõi họ. Các hãng hàng không sẽ thu thập và truyền thông tin của hành khách tới CDC để theo dõi và can thiệp sức khỏe cộng đồng cho tất cả hành khách lên chuyến bay đến Mỹ mà đã ở CHDC Congo hoặc Guinea trong vòng 21 ngày trước đó.

Guinea và CHDC Congo đã chứng kiến nhiều đợt bùng phát dịch Ebola trong những năm qua, với những đợt bùng phát trước đó đã giết chết hàng nghìn người. Trong khi đó, Mỹ đã không ghi nhận một trường hợp nào mắc Ebola nào kể từ năm 2015 và giới chức Mỹ cho biết họ không tin rằng đợt bùng phát mới nhất ở châu Phi là mối đe dọa đối với đất nước.

CDC cho biết, chừng nào một người không đi đến khu vực bùng phát dịch Ebola, nguy cơ nhiễm virus là rất thấp. Tuy nhiên, để đề phòng, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh cho biết hành khách từ hai quốc gia châu Phi đang đối mặt với dịch bệnh sẽ được xác minh và chia sẻ thông tin liên lạc của họ với các cơ quan y tế cấp bang và địa phương. Cơ quan này cũng đã đưa ra cảnh báo y tế cấp độ ba trong tuần này đối với Guinea và CHDC Congo, có nghĩa công dân Mỹ không nên có chuyến đi không cần thiết đến hai quốc gia này.

Để dịch bệnh Ebola lây lan, một người cần tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc chất dịch cơ thể của người có virus.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+, VOV)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/252803/my--ong-biden-hoi-thuc-thuong-vien-thong-qua-goi-cuu-tro-1-900-ti-usd.html