Mỹ phẩm giả - hậu quả thật
Sớm “bịt" kẽ hở trong đấu tranh chống buôn lậu
(HNM) - Hiện trên thị trường có nhiều loại mỹ phẩm nhập lậu nổi tiếng, mang thương hiệu các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Nhiều cơ sở kinh doanh trái phép đã tung ra thị trường mỹ phẩm giả, nhái, trà trộn vào hàng thật để kiếm lời bất chính. Và khi sử dụng mỹ phẩm giả, không ai khác chính người tiêu dùng bị thiệt hại, tiền đã mất mà tật lại mang.
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra quầy hàng mỹ phẩm tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm).
Mỹ phẩm giả bán tràn lan, công khai
Khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới tại chợ đêm phố cổ, chợ Phùng Khoang, chợ Đồng Xuân... nhiều cửa hàng mỹ phẩm bày bán tràn lan, trên mỗi sản phẩm đều ghi tiếng Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc... nhưng lại không hề có nhãn phụ tiếng Việt, không tem nhãn nhà sản xuất, không ghi rõ thành phần, hạn sử dụng. Điều đáng nói, giá sản phẩm chỉ bằng một nửa, thậm chí rẻ hơn hàng chục lần sản phẩm chính hãng.
Tại chợ Nhà Xanh, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) hiện có khoảng hơn chục hàng bán mỹ phẩm. Mỗi quầy có diện tích khá nhỏ nhưng phủ kín mỹ phẩm với đủ các loại son, kem nền, phấn, kem trắng da, kem chống nắng... thương hiệu trong nước có, hàng “nhập khẩu” từ Mỹ, Hàn Quốc và châu Âu cũng rất nhiều.
Sinh viên Nguyễn Mai Hoa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Mua mỹ phẩm ở chợ giá rẻ, cần loại nào cũng có. Nhất là các sản phẩm “hàng hiệu” có giá rẻ bất ngờ, chưa đến 300.000 đồng, trong khi sản phẩm chính hãng cùng loại đắt gấp 10 lần”.
Còn sinh viên Trần Hồng Nhung, Trường Đại học Thương mại cho hay: "Chỉ với vài chục nghìn đồng, em đã sở hữu thỏi son của thương hiệu nổi tiếng giá rẻ bằng 1/10, thậm chí là 1/15 giá sản phẩm chính hãng. Chất lượng em không rõ nhưng son tô lên màu, kem trắng da bôi lên trắng hơn trước là được".
Không chỉ xuất hiện ở các chợ lớn nhỏ, trên mạng xã hội cũng ồ ạt quảng cáo những mặt hàng mỹ phẩm dành cho phái nữ. Chỉ cần mở Facebook, vào mục tìm kiếm gõ hai chữ “mỹ phẩm” là hàng loạt thông tin sản phẩm xuất hiện.
Ông Trịnh Bá Quang, Quyền Trưởng phòng Kiểm tra phối hợp liên ngành, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 170 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt hành chính là 1,547 tỷ đồng, giá hàng hóa vi phạm 2,507 tỷ đồng, tịch thu, buộc tiêu hủy 42.744 sản phẩm.
Điển hình là vụ việc chủ kinh doanh Nguyễn Thị Hà (số 17, ngõ 35, Đình Thôn, quận Nam Từ Liêm) bị tạm giữ 2.247 sản phẩm do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá 195,85 triệu đồng.
Không vì ham rẻ mà "tiền mất, tật mang"
Người tiêu dùng cần thận trọng khi chọn mua mỹ phẩm. Ảnh: Mạnh Hà
Thực tế cho thấy, những trường hợp sử dụng phải mỹ phẩm giả khiến "tiền mất tật mang" không hiếm. Theo chị Phạm Thị Nhàn, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy), hãng mỹ phẩm Nyx khá nổi tiếng, thấy họ quảng cáo hấp dẫn nên chọn mua kem che khuyết điểm ở chợ giá chỉ bằng 1/3 giá sản phẩm chính hãng, về dùng một lần mặt bị nổi mụn phải đến bệnh viện để kiểm tra.
Chị Trần Thị Vẻ, xã Tân Triều (huyện Thanh trì) thì than phiền: "Tôi nghe theo lời quảng cáo mỹ phẩm 100% tự nhiên, thoa lên sẽ sạch mụn và đẹp ngay, nhưng sau hơn 3 ngày sử dụng thì mặt bị phù, mắt sưng húp, da ngứa... nên phải đến bệnh viện điều trị".
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết: Để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa người dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua. Hậu quả là nhiều người sau khi sử dụng đã bị dị ứng, thậm chí đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da thì lại càng bị sạm nặng hơn. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 1.500 bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh lý do dùng mỹ phẩm giả.
Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu trung ương nhìn nhận, điểm chung của các trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả thường là mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Việc điều trị, khắc phục dị ứng thường mất thời gian dài và tốn kém tiền bạc, chưa kể nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da suốt đời, thậm chí tử vong do nhiễm độc chì.
Theo ông Trịnh Quang Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, hiện thủ đoạn buôn bán mỹ phẩm lậu khá tinh vi. Chủ đầu nậu đặt hàng bên Trung Quốc, được biến tướng dưới hình thức nhập nguyên liệu và bao bì rời, sau đó đóng gói tại Việt Nam. Bất cập trong kiểm soát mỹ phẩm hiện nay là cá nhân tự công bố chất lượng rồi sản xuất sản phẩm, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm về thành phần, chất lượng sản phẩm. Lợi dụng sơ hở này, nhiều cá nhân, tổ chức làm ăn gian dối đã công bố thành phần sản phẩm một đằng rồi sản xuất một nẻo.
Về giải pháp ngăn chặn hiệu quả mỹ phẩm giả, ông Trịnh Quang Đức cho biết, thời gian tới, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng. Tăng cường phối hợp giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát và nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết thông tin tố giác tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại. Đồng thời chủ động rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mặt hàng mỹ phẩm cho phù hợp với tình hình thực tế.
Làm đẹp là nhu cầu cần thiết và biết làm đẹp một cách thông minh cũng không phải là điều khó khăn. Để tránh mua nhầm mỹ phẩm giả, kém chất lượng, người tiêu dùng nên đến những địa điểm bán uy tín, tránh những hậu quả đáng tiếc, không vì ham rẻ mà "tiền mất, tật mang".
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/942582/my-pham-gia---hau-qua-that