Mỹ phẩm không chứa nước là gì và ai có thể dùng?
Ngành công nghiệp mỹ phẩm Việt Nam ngày càng phát triển với nhiều thương hiệu nội địa. Những năm gần đây, khái niệm mỹ phẩm không chứa nước (waterless) dần phổ biến trên thị trường với nhiều dạng sản phẩm khác nhau. Tuy vậy, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn để sản xuất và truyền thông cho mặt hàng mới. Bên cạnh đó, người dùng cũng quan ngại khi lựa chọn sử dụng và cần ý kiến từ chuyên gia.
Mỹ phẩm không chứa nước (waterless) có thể hiểu là các sản phẩm hoàn toàn không chứa thành phần nước hay nước khử ion trong công thức, bảng thành phần. Hiện các sản phẩm này có trên thị trường khá đa dạng ở các thành phẩm như tinh dầu dưỡng da, dưỡng tóc, sữa rửa mặt dạng bột…
Là doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm Việt gần 10 năm, anh Đỗ Duy Khánh, một trong hai nhà sáng lập của Skinlosophy cho biết đội ngũ đã có sự chuyển mình, tìm ra những công thức cắt giảm hoàn toàn nước trong sản phẩm và cho ra thị trường năm 2021. Anh cho rằng đây sẽ là xu hướng trong tương lai khi các nhà làm mỹ phẩm quan tâm hơn đến câu chuyện bảo vệ môi trường bằng cách tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Cụ thể, các sản phẩm sẽ thay thế hoàn toàn nước, vốn thường chiếm đến 70-80% dung tích, bằng các chiết xuất từ thảo mộc bản địa, tạo ra thành phẩm mới gọn nhẹ hơn và khối lượng sử dụng mỗi lần cũng ít đi vì dung dịch cô đặc hơn.
Chia sẻ về những khó khăn khi chuyển hướng, thay đổi toàn bộ công thức sản phẩm và trở thành thương hiệu Việt tiên phong xu hướng loại bỏ nước ra khỏi mỹ phẩm, anh nói mình tốn khá nhiều công sức để truyền thông cho người dùng vì khái niệm còn khá mới mẻ.
“Cái gì dùng lâu thì sẽ quen thuộc. Và để khách hàng lâu năm chịu tiếp nhận loại sản phẩm mới, người mới hiểu rõ về nó để không hoài nghi, thiếu tin tưởng, nhãn hàng cần cho họ lý do tại sao phải dùng waterless (không chứa nước-PV) thay vì những mặt hàng thông thường. Việc giải thích này là giai đoạn khó khăn nhất trong thời gian đầu”, anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, anh Khánh cho biết với công nghệ mới này, vòng đời của sản phẩm sẽ tăng lên vì lượng sản phẩm cần dùng cho mỗi lần giảm gấp đôi thậm chí gấp ba bình thường khiến doanh thu cũng giảm. Khách hàng có nhiều thời gian hơn để dùng hết rồi mua thêm, còn nhà bán hàng bán ít hàng hơn trong một thời gian nhất định.
Bên cạnh đó, những năm đầu nghiên cứu dòng sản phẩm mới cũng khiến các nhà khoa học của Skinlosophy gặp không ít trở ngại. Anh kể, quá trình điều chế, tìm ra công thức tiêu tốn nhiều thời gian và tiền của vì hầu như công đoạn thu thập tài liệu, thông tin, tìm kiếm kinh nghiệm từ người đi trước cho dạng mỹ phẩm này rất hiếm hoi.
Theo anh Duy Khánh, các sản phẩm mang thương hiệu Việt của anh đều trải qua quy trình kiểm định để được cấp phép như những hãng mỹ phẩm thông thường khi có nhà máy đạt chuẩn, nguyên liệu đảm bảo hóa đơn chứng từ, viện kiểm nghiệm cho thấy đạt chất lượng…
“Để bắt đầu với Đông y Việt Nam, đặc biệt là thế hệ sản phẩm không chứa nước, nhà khoa học của chúng tôi phải thử qua đủ loại mỹ phẩm cũng như tìm hiểu, cập nhật kiến thức liên tục trên thế giới về công nghệ của phương Tây, nhằm đưa ra dòng sản phẩm ưu Việt không thua kém mặt hàng waterless của nước ngoài”, anh kể.
Tuy vậy, ngoài câu chuyện làm thương hiệu tiên phong, cắt bỏ hoàn toàn nước ra khỏi bảng thành phần, nhà sáng lập cho biết giá trị lớn nhất về lâu dài chính là tiết kiệm được tài nguyên nước. Tiếp đến là giảm năng lượng xử lý chai lọ do người dùng thải ra ngoài vì vòng đời sản phẩm được kéo dài hơn. Cuối cùng, khi tận dụng nguyên liệu thảo mộc bản địa để chiết xuất ra các thành phần thay thế nước, doanh nghiệp sẽ đem lại kế sinh nhai cho nông dân và góp phần trở thành một đầu ra cho nông nghiệp.
Anh chia sẻ ở Việt Nam có rất nhiều nhà máy trăm tỷ đủ năng lực sản xuất ra sản phẩm với công suất lớn. Năng lực chiết xuất tinh chất từ sản phẩm thô ở nước ta cũng không thua kém đơn vị nào ở nước bạn. Đây là điều đáng mừng khi doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tận dụng và hợp tác với nguồn lực này.
Nhìn chung, thị hiếu người tiêu dùng ngày càng chuộng sản phẩm xanh, nguồn gốc từ thiên nhiên. Loại mỹ phẩm không chứa nước cũng được truyền thông nhiều hơn đến khách hàng. Từ đó, chuyên gia đưa ra khuyến cáo để người dùng biết cách lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình.
Mời quý vị theo dõi video phỏng vấn TS BS Nguyễn Ngô Lê Minh Anh, Trưởng phòng khám da – thẩm mỹ Y học Cổ truyền tại Đại học Y dược TPHCM cơ sở 3, để hiểu rõ hơn về khái niệm mỹ phẩm không chứa nước.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/my-pham-khong-chua-nuoc-la-gi-va-ai-co-the-dung/