Mỹ phát hiện ra điểm yếu nguy hại trong hệ thống phòng không
Giới quân sự Mỹ mới đây thú nhận rằng, họ không thể chống đỡ nổi nếu bị vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và Trung Quốc tấn công.
Cơ quan phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ (MDA) đã công bố kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp. Washington hy vọng rằng hệ thống này sẽ bảo vệ được nước Mỹ trước các cuộc tấn công bằng những tổ hợp vũ khí hiện đại nhất của đối phương.
Phát hiện những sự cố trong hệ thống
Khi Nga cho ra mắt những phiên bản mới nhất của vũ khí răn đe hạt nhân, như: tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat, tổ hợp tên lửa siêu thanh Avangard, Lầu Năm Góc đã công khai thú nhận: Moscow đã vượt Washington trong lĩnh vực công nghệ quân sự. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ thậm chí không đủ sức để giảm thiểu một phần những thiệt hại tiềm năng nếu như xảy ra chiến tranh. MDA cho rằng: trong vấn đề này cần phải thay đổi cách tiếp cận.
Hiện nay, để bảo vệ lãnh thổ của mình trước những đòn tấn công cấp tập bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa, Mỹ bố trí ở Alaska và California hàng chục căn cứ đánh chặn tên lửa mặt đất, dạng hầm phóng cố định (GBMD). Những căn cứ này có nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo trong không gian vũ trụ ở tầm trung của quỹ đạo. Hệ thống này được Mỹ đưa vào sử dụng từ năm 2005. Trong quá trình thử nghiệm, hệ thống đánh chặn GBMD chỉ bắn hạ được một nửa số mục tiêu tấn công. Điều này làm chính quyền Mỹ rất thất vọng, mặc dù đây là hệ thống vũ khí rất tốn kém.
Trên những hướng chiến lược tối quan trọng, Mỹ đặt ba trạm radar cố định, có chức năng cảnh báo sớm PAVE PAWS.
Khoảng giữa những năm 2010, Washington đã chi 6 tỉ USD để phát triển đầu đạn đánh chặn mới trong chương trình RKV. Dự án này cũng đã phải khép lại vào năm 2019. Vì phần thiết kế đầu đạn bộc lộ những khiếm khuyết rất trầm trọng. Cơ quan phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ vì vậy mà chút nữa bị giải thể.
Lá chắn giữa đại dương
Phòng tuyến đầu tiên là tàu những khu trục Arleigh Burke và những tàu tuần dương Ticonderoga được trang bị hệ thống điều khiển thông tin tác chiến Aegis và tên lửa đánh chặn Standard. Những tàu chiến này trực chiến chủ yếu ở Thái Bình Dương, giữ vai trò của một lá chắn di động, phòng ngừa tên lửa của Trung quốc và Bắc Triều Tiên. Hiện nay, một số tàu này được điều về vùng duyên hải nước Mỹ.
Tuy nhiên, nếu bị tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM hạng nặng của đối phương tấn công, tên lửa đánh chặn Standard sẽ không thể chống đỡ nổi. Tổ hợp tên lửa Standard chủ yếu là để tác chiến với tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Phòng tuyến thứ hai là hệ thống Aegis Ashore. Cơ quan phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ MDA không loại trừ khả năng triển khai phiên bản Aegis Ashore trên mặt đất. Những hệ thống này đã được bố trí ở Ba Lan và Romania. Mỹ cũng lên kế hoạch bố trí ở Nhật Bản, nhưng Tokyo đã từ chối đề xuất này.
Chống lại vũ khí siêu thanh
Phòng tuyến cuối cùng là tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm ngắn THAAD, bố trí trên mặt đất. Tổ hợp này đã được triển khai ở Hàn quốc và ở Guam. Cách đây một năm rưỡi, Mỹ đã đầu tư thêm 273 triệu USD để nâng cấp hệ thống này. Nhiệm vụ của tổ hợp THAAD là bắn hạ tên lửa ở giai đoạn cuối cùng của quỹ đạo bay.
Trao đổi với báo chí, giám đốc cơ quan phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ MDA, phó đô đốc John Hill cho biết: “Nhiệm vụ phức tạp nhất hiện nay là kết nối 3 tuyến phòng thủ này lại với nhau thành một khối thống nhất. Muốn phối hợp hành động giữa các lớp phòng thủ đó với nhau, phải có mạng lưới thông tin hiệu quả. Ngoài ra, hệ thống này cần được tích hợp với tổ hợp Patriot. Sĩ quan chỉ huy , trong một thời điểm thích hợp phải biết lựa chọn phương tiện nào”.
Dù sao đi chăng nữa, Lầu Năm Góc còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề để hoàn thành quá trình hiện đại hóa hệ thống phòng không của mình. Thí dụ như: hệ thống điều khiển chung cho các tuyến phòng thủ. Các tổ hợp phòng không hoạt động không hiệu quả khi đối đầu với những vũ khí mới của Nga và Trung quốc.
Mới đây, các nhà phân tích thuộc Học viện quân sự Hoa Kỳ đã đưa ra kết luận: “Nếu chỉ gia tăng số lượng tên lửa thôi thì chưa đủ, cần phải phát triển máy bay tiêm kích hiện đại được trang bị tên lửa đánh chặn có khả năng cơ động cao”.
Theo nhận định của giới chuyên gia, hệ thống phòng không hiện đại của Mỹ chỉ có thể đánh chặn được những tên lửa có tốc độ bay chậm, bay theo một quỹ đạo định trước. Việc làm thế nào để bắn hạ những đầu đạn có tính cơ động cao, bay với tốc độ siêu thanh? Hiện nay các chuyên gia thiết kế của Mỹ vẫn còn đang đau đầu suy nghĩ.