Mỹ phát triển công nghệ điều khiển bảo mật dành cho UAV

Trang tin quân sự Breaking Defense đăng tải, hãng chế tạo Mỹ General Atomics đang thử nghiệm công nghệ tạo ra kênh điều khiển và trao đổi thông tin băng thông rộng, có tính bảo mật cao giữa các tổ hợp máy bay không người lái (UAV) với vệ tinh. Công nghệ này đang được thử nghiệm và hoàn thiện trên mẫu UAV tấn công MQ-9 Reaper.

Hiện tại, nguyên mẫu của hệ thống trao đổi thông tin vệ tinh này với tên gọi LCT135 cung cấp băng thông rộng tới 1,8Gb/giây và khoảng cách liên kết với mục tiêu đạt 80.000km. Các thử nghiệm của hệ thống liên kết mới được tiến hành tại đảo Tenerife ở Đại Tây Dương. Tuy nhiên, các thông tin về kết quả thử nghiệm vẫn được giữ bí mật.

Đại diện hãng chế tạo General Atomics cho biết, về bản chất, công nghệ trên sử dụng các vệ tinh địa tĩnh hoặc vệ tinh quân sự hoạt động ở độ cao thấp, tạo kênh trao đổi thông tin với bất kỳ vật thể bay trong vùng kiểm soát bằng chùm tia laser định tuyến. Công nghệ này có lợi thế ở việc tạo ra kênh liên kết băng thông rộng, độ trễ thấp và quan trọng hơn là rất khó bị gây nhiễu bởi các loại vũ khí tác chiến điện tử hiện đại.

 Kênh liên kết vệ tinh giúp tăng tính bảo mật và kháng nhiễu tốt hơn so với sóng vô tuyến truyền thống.

Kênh liên kết vệ tinh giúp tăng tính bảo mật và kháng nhiễu tốt hơn so với sóng vô tuyến truyền thống.

Hiện tại, Quân đội Mỹ đang ứng dụng rộng rãi các dòng UAV quân sự trong chiến đấu. Tuy nhiên, quá trình sử dụng thực tế đã bộc lộ nhiều hạn chế với công nghệ điều khiển và truyền dẫn dữ liệu hiện tại. Do sử dụng kênh vô tuyến liên kết từ mặt đất tới UAV, nên sự kết nối điều khiển giữa thiết bị điều khiển với UAV dễ bị gián đoạn khi đối phương sử dụng các biện pháp tác chiến điện tử tinh vi.

Giới chuyên gia quân sự Mỹ từng so sánh, nếu tín hiệu vô tuyến điều khiển UAV giống như tiếng vo ve của muỗi, thì các tổ hợp áp chế điện tử hiện đại có khả năng tạo ra xung điện tử giống như một cơn bão lớn gây nhiễu loạn và sai lệch thông tin điều khiển thiết bị bay.

Đã ghi nhận nhiều trường hợp UAV quân sự của Mỹ bị hạ gục bởi hệ thống tác chiến điện tử đơn giản của đối phương như làm sai lệch điểm mốc định vị vệ tinh GPS hay chèn thông tin định vị giả khiến thiết bị bay mất định hướng và rơi. Điển hình rõ nhất cho việc này là sự kiện Iran bắt giữ UAV trinh sát tuyệt mật RQ-180 Sentinel của tình báo Mỹ. Chiếc UAV đã bị “ép” hạ cánh mà không bị hư hại đáng kể. Điều này giúp Iran thu thập được nhiều thông tin đáng kể về dòng UAV tàng hình hàng đầu của Mỹ.

 Việc bị mất quyền kiểm soát các loại UAV tấn công có mang vũ khí là mối nguy cơ thực sự với lực lượng quân sự Mỹ trên chiến trường.

Việc bị mất quyền kiểm soát các loại UAV tấn công có mang vũ khí là mối nguy cơ thực sự với lực lượng quân sự Mỹ trên chiến trường.

Để khắc phục vấn đề bị gây nhiễu và đối kháng điện tử nhằm vào các dòng UAV quân sự, đặc biệt là các loại có khả năng mang vũ khí như MQ-9 Reaper, trong vài năm qua, Mỹ đã thử nghiệm nhiều công nghệ điều khiển mới, trong đó có việc mã hóa thông tin điều khiển và thực hiện nó thông qua các điểm trung chuyển trong không gian là máy bay quân sự hoạt động trong khu vực thay vì trực tiếp từ mặt đất. Công nghệ liên kết thông qua vệ tinh cũng là một phần của hướng phát triển này.

TUẤN SƠN (theo Breaking Defense)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/my-phat-trien-cong-nghe-dieu-khien-bao-mat-danh-cho-uav-610967