Mỹ phát triển tên lửa chống bức xạ mới
Hải quân Mỹ vừa phối hợp với nhà thầu quốc phòng Northrop Grumman hoàn thành đánh giá thiết kế then chốt cuối cùng (CDR) đối với tên lửa chống bức xạ tiên tiến AARGM-ER.
Theo đó, lực lượng này thông qua thiết kế đối với các thành phần chính của tên lửa AARGM-ER, bao gồm đầu đạn và động cơ, cũng như cơ chế tiêu diệt/chế áp phòng không đối phương (DEAD/SEAD).
Nhà sản xuất Northrop Grumman cho biết họ sẽ kiểm tra hiệu suất động cơ tên lửa khi hoạt động ở điều kiện nhiệt độ cực cao, cực thấp và kiểm tra mức độ công phá của đầu đạn.
Đầu tháng 6, Hải quân Mỹ cũng đưa tên lửa AARGM-ER lên tiêm kích hạm F/A-18E Super Hornet để đánh giá khả năng tích hợp vào hệ thống tác chiến của máy bay và đặc điểm cấu trúc của tên lửa.
Thời gian tới, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thử nghiệm các nguyên mẫu của tên lửa AARGM-ER trước khi trao hợp đồng sản xuất hạn chế cho tập đoàn Northrop Grumman vào quý III năm sau.
Không quá xa lạ, tên lửa AARGM-ER là một biến thể cải tiến tăng tầm của dòng tên lửa chiến thuật siêu thanh tầm trung AGM-88E được sử dụng chuyên biệt cho nhiệm vụ tấn công radar, trạm quan sát phòng không của đối phương.
Tên lửa AARGM-ER sử dụng cùng cảm biến, đầu đạn như người tiền nhiệm. Tuy nhiên, rất nhiều chi tiết quan trọng được nâng cấp trên tên lửa AARGM-ER như động cơ tên lửa đẩy và hệ thống đuôi nhằm tăng tầm bắn, hệ thống điều khiển chung, khung vỏ mới…
Sử dụng hệ dẫn quán tính ở pha giữa và đầu tự dẫn radar chủ động pha cuối, tên lửa AARGM-ER sẽ bám theo cánh sóng radar để đánh vào đài anten máy phát. Trong khi tên lửa AGM-88E Block 1 có trọng lượng 355kg, tầm bắn 150km và tốc độ Mach 1,84 (khoảng 2.280km/giờ), thì các thông số trên của tên lửa AARGM-ER vẫn chưa được tiết lộ.
Tên lửa AARGM-ER trong tương lai sẽ được trang bị cho máy bay chiến đấu của tất cả các quân binh chủng của quân đội Mỹ. Riêng với Hải quân Mỹ, vũ khí này sẽ được tích hợp cho máy bay F/A-18E/F Super Hornet, EA-18G Growler và F-35C.
PHẠM HUY (theo Flight Global)