Mỹ phát triển tên lửa tầm trung để chọc thủng lá chắn TQ ở Biển Đông
Sĩ quan hàng đầu của lục quân Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển và triển khai các hệ thống vũ khí mới có khả năng phá vỡ hệ thống phòng thủ của Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ có những tên lửa tầm trung có thể đánh chìm tàu", tướng James McConville, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, nói trong một cuộc thảo luận do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington tổ chức hôm 31/7, theo Nikkei Asian Review.
"Chúng tôi nghĩ rằng điều đó rất quan trọng đối với năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập mà chúng tôi có thể phải đối mặt", ông nói thêm, đề cập đến chiến lược được gọi tắt là A2/AD (anti-access/area denial) của Bắc Kinh.
Tên lửa để đối phó A2/AD
Tướng McConville cũng đề cập đến "hỏa lực chính xác tầm xa", như tên lửa siêu thanh, và "hỏa lực chiến thuật với tầm bắn mở rộng" là những lĩnh vực ưu tiên.
"Chúng tôi chắc chắn muốn mang đến cho lãnh đạo các quốc gia những phương án mà họ có thể sử dụng nếu cần có năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập", ông nói.
Ông McConville xác nhận rằng các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh - thực tế là vũ khí tầm xa nhanh nhất của Mỹ - đã thành công.
Các chuyên gia cho biết việc triển khai toàn bộ số tên lửa này sẽ là để chống lại chiến lược A2/AD của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ví dụ, nếu Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) tiến hành các hoạt động để chiếm Đài Loan bằng vũ lực, thì Chuỗi đảo thứ nhất - bao gồm các đảo chính của Nhật Bản, Okinawa, Đài Loan, miền Bắc Philippines và bán đảo Mã Lai - sẽ là tuyến phòng thủ chiến lược cho Trung Quốc.
"Cái gọi là A2/AD của Trung Quốc và Nga được thiết kế để làm phức tạp việc triển khai sức mạnh của Mỹ và các hoạt động phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh thân cận nhất của mình như Nhật Bản", Tom Karako, nghiên cứu viên cấp cao tại CSIS nói. "Mục tiêu của họ là gây bất hòa giữa Mỹ và các đồng minh của nước này".
Về tuyên bố của tướng McConville, ông Karako nói "điều quan trọng là ông tái khẳng định rằng Mỹ đang bám sát chiến lược của mình" trong triển khai vũ khí chiến lược, tác chiến và chiến thuật để chống lại các chương trình này.
Các học giả Stephen Biddle và Ivan Olerich từng dự báo về tình hình A2/AD trong một bài viết năm 2016 cho tạp chí International Security.
"Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng những cải tiến về tên lửa, cảm biến, dẫn đường và các công nghệ khác của Trung Quốc sẽ cho phép Trung Quốc ngăn chặn sự tiếp cận của quân đội Mỹ tại các khu vực thuộc Tây Thái Bình Dương mà Mỹ đã kiểm soát từ lâu", họ viết.
"Trong kỷ nguyên mới này, Mỹ sẽ sở hữu phạm vi ảnh hưởng xung quanh các vùng đất đồng minh; Trung Quốc sẽ duy trì phạm vi ảnh hưởng trên đất liền của mình, và chiến trường tranh chấp sẽ bao trùm phần lớn Biển Đông và Biển Hoa Đông nơi không cường quốc nào có thể tự do di chuyển trên bộ, trên biển hay trên không trong thời chiến".
Các sự kiện gần đây, và đánh giá của tướng McConville, xác nhận những dự đoán đó.
Kết nối với Chuỗi đảo thứ nhất
Ông McConville nói việc đảm bảo an ninh tại khu vực này sẽ phụ thuộc vào quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ với các quốc gia trong Chuỗi đảo thứ nhất và lưu ý tầm quan trọng của các thỏa thuận quốc phòng thường trực với Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan.
Ông cũng trông đợi sẽ có thêm nhiều liên minh và hy vọng sẽ xây dựng quan hệ đối tác quốc phòng với Ấn Độ. "Chúng tôi từng là, bạn biết đấy, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương," ông nói. "Bây giờ, nó thực sự là Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, phản ánh tầm quan trọng của khu vực này".
"Ấn Độ là quốc gia rất quan trọng trong khu vực" và việc bổ sung nước này vào quan hệ đối tác quốc phòng sẽ là "rất, rất hữu ích" cho sự ổn định và an ninh khu vực, ông McConville nói.
Song trước sự gia tăng căng thẳng tại khu vực gần đây khi cả Mỹ và Trung Quốc thể hiện sức mạnh quân sự của họ thông qua các cuộc tập trận, tướng Mỹ kêu gọi thận trọng.
"Cạnh tranh nước lớn không có nghĩa là có xung đột nước lớn", ông McConville nói. "Tất cả chúng ta cần phải hành động để tránh điều đó. Nhưng đồng thời, nhiều quốc gia trong số này, họ thực sự muốn có một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở vì... họ cần có quyền tiếp cận" vì lý do kinh tế.
"Điều họ quan tâm là thực sự an ninh và ổn định tại khu vực", ông nói.