Mỹ-Philippines có thể sẽ hành động chung trên Biển Đông
Ngày 20/2, người phát ngôn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) cho biết, nước này và Mỹ đang thảo luận về khả năng tiến hành các cuộc tuần tra chung của lực lượng tuần dương hai nước, bao gồm cả ở Biển Đông.
Theo người phát ngôn PCG Jay Tarriela, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Philippines đã qua giai đoạn sơ khai, song không cung cấp thông tin chi tiết về quy mô hoặc thời gian của các cuộc tuần tra được đề xuất.
Theo quan chức trên, Bộ Quốc phòng Mỹ ủng hộ kế hoạch này, thậm chí hai bên đã lên lộ trình rõ ràng, do vậy, "chắc chắn lực lượng tuần duyên của cả hai nước sẽ có cuộc tuần tra chung đặc biệt".
Ông Tarriela nói rõ: "Có khả năng hoạt động này sẽ được tiến hành ở Biển Đông để ủng hộ quyền tự do hàng hải của chính phủ Mỹ".
Cựu Phó tư lệnh Hải quân Philippines Rommel Jude Ong nhận định, việc triển khai lực lượng tuần duyên ở Biển Đông thay vì hải quân sẽ "giảm thiểu mọi tính toán sai lầm và ngăn Trung Quốc tìm cớ leo thang căng thẳng" trong khu vực.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh hồi đầu tháng này, PCG cáo buộc một tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu “tia laser cấp độ quân sự” vào tàu của Philippines khiến thủy thủ đoàn bị mù tạm thời hôm 6/2 trên Biển Đông trong lúc tàu này đang hỗ trợ sứ mệnh tiếp tế cho quân đội trên một đảo san hô.
Trung Quốc sau đó khẳng định, lực lượng hải cảnh của nước này đã hành động theo luật và cho rằng, cáo buộc của phía Philippines "không phản ánh sự thật".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khi đó cho hay, Washington "đứng về phía đồng minh Philippines trong vụ việc".
Gần đây, Mỹ và Philippines đã đồng ý nối lại các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông sau vài năm gián đoạn.
Trước đó, năm 2016, dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đã tạm dừng các cuộc tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông, cho rằng quốc gia Đông Nam Á này cần đánh giá lại mối quan hệ với Washington.