Mỹ phô diễn 'sát thủ' SM-6 tại Thái Bình Dương

Lần đầu khai hỏa SM-6 từ đất liền tại Australia, Mỹ khiến giới quan sát sửng sốt: tốc độ cực đại, tầm bắn trung bình nhưng liệu có thể đe dọa soái hạm Trung Quốc?

SM-6 tung đòn từ mặt đất

Cuộc tập trận Talisman Sabre 2025 tại Australia chứng kiến một bước ngoặt lớn trong chiến lược răn đe của Mỹ tại Thái Bình Dương: lần đầu tiên Quân đội Mỹ khai hỏa hệ thống tên lửa tấn công tầm trung Typhon, phóng thành công quả đạn SM-6 để tiêu diệt mục tiêu hải quân giả định ngoài khơi.

Tên lửa SM-6 không phải là cái tên xa lạ. Được Hải quân Mỹ biên chế chính thức từ năm 2013 trên các tàu khu trục lớp Arleigh Burke, loại tên lửa này vốn được thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, điểm độc đáo của SM-6 là khả năng “ba trong một” hiếm có: chống tên lửa, phòng không và đặc biệt là chống hạm.

Tốc độ cực đại đạt Mach 3.5 giúp nó có thể vượt qua nhiều lớp phòng không truyền thống, trong khi tầm bắn khoảng 450km đủ để tạo ra vùng đe dọa đáng kể quanh các đảo tiền tiêu.

Phóng tên lửa SM-6 từ hệ thống Typhon ở Australia. Ảnh Military Watch

Phóng tên lửa SM-6 từ hệ thống Typhon ở Australia. Ảnh Military Watch

Việc Quân đội Mỹ lựa chọn đưa SM-6 lên bệ phóng mặt đất trong khuôn khổ hệ thống Typhon từ năm 2020, là dấu hiệu cho thấy Lầu Năm Góc đang tìm cách bù đắp điểm yếu về chi phí và sự tổn thương của hạm đội khi so với các phương tiện tấn công từ đất liền.

Với chi phí sản xuất mỗi quả đạn ước tính hơn 4 triệu USD, việc phóng từ đất liền giúp giảm gánh nặng ngân sách so với duy trì cả một biên đội tàu khu trục tuần tra quanh năm. Hệ thống Typhon, nhờ đó, trở thành công cụ răn đe phi đối xứng mới mà Mỹ muốn gài sẵn ở Thái Bình Dương để gây sức ép lên tham vọng biển của Trung Quốc.

Thách thức lớn hơn

Việc Mỹ triển khai SM-6 từ mặt đất tại Australia cho thấy Lầu Năm Góc đang tính đến một “mặt trận đất liền” mới. Nhưng khoảng cách địa lý cũng đồng nghĩa rằng SM-6 rất khó tiếp cận được các nhóm tác chiến hải quân đối phương nếu chúng giữ cự ly trên 500km.

Về mặt chiến thuật, SM-6 không có khả năng bay bám mặt biển – yếu tố cực kỳ quan trọng để giảm thời gian cảnh báo cho mục tiêu đối phương và tăng khả năng xuyên thủng lớp phòng không. Điều này khiến đạn dễ bị phát hiện và đánh chặn bởi các hệ thống phòng không tầm xa.

Bản thân SM-6 lại không thể bắn theo loạt lớn để áp đảo phòng không, bởi chi phí quá cao khiến phương án “bão lửa” không khả thi.

Ngoài ra, chính người Mỹ cũng nhận thức rõ SM-6 chỉ là bước đi khởi đầu. Việc kết hợp Typhon với các loại tên lửa chống hạm khác, mạnh hơn và rẻ hơn, là xu hướng có thể sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Một ứng viên tiềm năng là Tomahawk Block V - phiên bản có thể mang đầu dò chống hạm và có tầm bắn lên tới hơn 1.600km.

Tuy nhiên, các giải pháp này đều cần thời gian, thử nghiệm và ngân sách khổng lồ trong bối cảnh Mỹ đang phải căng mình giữa các ưu tiên quốc phòng toàn cầu, từ Ukraine, Trung Đông đến cả không gian vũ trụ.

Tên lửa YJ-18 của Trung Quốc. Ảnh GlobalSecurity

Tên lửa YJ-18 của Trung Quốc. Ảnh GlobalSecurity

Dẫu vậy, nếu kết hợp Typhon với mạng lưới radar cảnh giới từ vệ tinh, máy bay trinh sát, máy bay cảnh báo sớm E-7 Wedgetail và thậm chí cả UAV, Mỹ có thể tạo ra vùng “cấm hạm” ảo - nơi bất kỳ tàu chiến nào tiến vào đều sẽ bị khóa mục tiêu trong vài giây.

Tuy nhiên, để đi tới viễn cảnh đó, SM-6 cần được cải tiến, thay thế hoặc phối hợp với những vũ khí chống hạm mạnh hơn và phù hợp hơn với chiến tranh cường độ cao.

lê hưng (Military Watch)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/my-pho-dien-sat-thu-sm-6-tai-thai-binh-duong-ar955226.html