Mỹ 'quên chuyện cũ' của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia vì Trung Quốc
Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh kéo dài 20 năm qua đối với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto vì cáo buộc vi phạm nhân quyền, động thái được xem là nỗ lực nhằm cân bằng ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc ở quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Irawan Ronodipuro, phát ngôn viên vấn đề ngoại giao của đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) của ông Prabowo, cho biết lệnh cấm nhập cảnh đã được dỡ bỏ và ông Prabowo dự kiến gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vào tháng 11.
Người phát ngôn Ronodipuro cho hay: "Mỹ nhận ra Indonesia là một đồng minh chiến lược ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong khi chúng tôi cũng hiểu vai trò quan trọng của Mỹ trong việc đảm bảo một khu vực hòa bình và ổn định". Ông Ronodipuro cho rằng đây là lý do lệnh cấm được dỡ bỏ.
Người này nhấn mạnh Indonesia coi trọng quan hệ quân sự với Mỹ và Trung Quốc như nhau và chính sách đối ngoại của nước này luôn tự do, năng động và sẽ tiếp tục như vậy.
Ông Prabowo từng bị từ chối cấp thị thực Mỹ vào giữa năm 2000 khi ông muốn tham dự lễ tốt nghiệp đại học của con trai mình ở TP Boston. Hồi năm 2012, ông cho biết mình vẫn không thể xin thị thực Mỹ do bị cáo buộc đứng sau các cuộc bạo động làm chết hơn 1.000 người sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Suharto vào năm 1998.
Mỹ đã tính đến chuyện dỡ bỏ lệnh cấm đối với ông Prabowo sau khi ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng gần một năm trước.
"Việc tiếp cận với Bộ trưởng Prabowo là một cách để Mỹ cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc, nhằm đảm bảo Indonesia không "quá nghiêng về phía Trung Quốc" - ông Alex Arifianto, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), cho biết.
Ông Arifianto cho hay: "Trung Quốc đã tăng cường đáng kể các khoản đầu tư vào quân sự và kinh tế, chủ yếu là cơ sở hạ tầng và khai thác mỏ, ở Indonesia kể từ khi Tổng thống Joko Widodo nhậm chức vào năm 2014". Chuyên gia này nhận định chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho là ít tương tác với Indonesia và các quốc gia Đông Nam Á khác so với chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.
Ông Arifianto cho rằng cuộc gặp vào tháng 11 sắp tới sẽ là cơ hội để Washington cho thấy họ vẫn quan tâm đến các đồng minh Đông Nam Á của mình mặc dù trên cơ sở song phương hơn là đa phương. Ông Zachary Abuza của Trường ĐH Chiến tranh Quốc gia (Mỹ), cho biết Indonesia không muốn bị kéo vào bất kỳ cuộc xung đột quyền lực lớn nào giữa Mỹ và Trung Quốc.
Quân đội Indonesia đang hiện đại hóa quân sự quy mô lớn để thay thế cơ sở hạ tầng quốc phòng cũ kỹ bao gồm máy bay, tàu chiến, xe tăng cũng như công nghệ vũ khí. Trong những tháng gần đây, ông Prabowo đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua 15 máy bay Eurofighter Typhoon đã qua sử dụng từ Áo, F-16 Viper từ Mỹ và máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp.