Mỹ quyết tâm 'xử lý' Google về vi phạm quảng cáo

Trong phiên tòa chống độc quyền thứ Hai (9/9), Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu xử lý tình trạng độc chiếm của gã khổng lồ công nghệ Google trong thị trường quảng cáo trực tuyến.

Đây là vụ kiện thứ hai Google phải đối mặt trong năm nay về vấn đề độc quyền. Ảnh: Jason Henry

Đây là vụ kiện thứ hai Google phải đối mặt trong năm nay về vấn đề độc quyền. Ảnh: Jason Henry

Trong nhiều năm qua, Google đã phải đối mặt với các khiếu nại về việc chi phối thị trường quảng cáo trực tuyến. Nhiều mối lo ngại được đặt cho công cụ Google Ad Manager, sở hữu chức năng đấu thầu quảng cáo trên trang của họ trong thời gian rất ngắn, sau đó phân phối hiển thị mỗi khi người dùng tìm kiếm.

Vào thứ Hai (9/9), Thẩm phán Leonie Brinkema của Tòa án Sơ thẩm phía Đông Virginia sẽ chủ trì phiên tòa trong đó Bộ Tư pháp cáo buộc Google lạm dụng quyền kiểm soát công nghệ quảng cáo và vi phạm luật chống độc quyền.

Đây sẽ là phiên tòa chống độc quyền thứ hai của Google trong chưa đầy một năm. Từ tháng 8, một thẩm phán liên bang đã phán quyết việc Google duy trì độc quyền một cách bất hợp pháp trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.

Phiên tòa này là bước hành động mới nhất của các cơ quan quản lý chống độc quyền liên bang đối với các tập đoàn công nghệ lớn, thực thi một đạo luật cạnh tranh đã tồn tại hàng thế kỷ đối với những công ty đã tác động cách con người mua sắm, giao tiếp và tiêu thụ thông tin.

Các nhà quản lý liên bang cũng đã đệ đơn kiện chống độc quyền đối với Apple, Amazon và Meta, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp, với cáo buộc rằng những công ty này cũng lạm dụng vị thế của họ trên thị trường.

Bộ Tư pháp từ chối bình luận về cuộc đấu tranh pháp lý mới nhất với Google.

Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Google, bà Lee-Anne Mulholland, viết trong một bài đăng blog hôm Chủ Nhật (8/9) rằng Bộ Tư pháp đang "quản lý thị trường trong một ngành công nghiệp cạnh tranh cao."

"Thị trường đang hoạt động rất hiệu quả khi số lượng quảng cáo phân phối tăng mà chi phí quảng cáo giảm," bà nói. "Vụ kiện này có nguy cơ khiến quảng cáo kém hiệu quả và giá cả cao hơn, đây là điều cuối cùng mà nền kinh tế Mỹ hay các doanh nghiệp nhỏ của chúng ta cần lúc này."

Vụ kiện chống độc quyền khác của Google cũng đang được thúc đẩy. Vào Thứ Sáu (6/9), Thẩm phán Amit P. Mehta của Tòa án Sơ thẩm Columbia đã thiết lập tiến trình để quyết định các biện pháp khắc phục vào tháng 8/2025.

Tác động tài chính của vụ kiện Google bắt đầu vào thứ Hai (9/9) có thể không lớn bằng vụ kiện nhắm vào hoạt động tìm kiếm cốt lõi của công ty, vốn chiếm khoảng 57% doanh thu của Google.

Tuy nhiên, vụ kiện mới có thể thay đổi cấu trúc của gã khổng lồ internet và cách nhiều doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến hoạt động. Chính phủ đang kêu gọi chia tách bộ phận công nghệ quảng cáo của Google, bao gồm việc thoái vốn phần mềm quảng cáo mà công ty này phát triển từ DoubleClick, một công ty mà Google đã mua lại với giá 3,1 tỷ USD vào năm 2008.

Google đã tích hợp công nghệ của DoubleClick vào thuật toán sử dụng cho các giao dịch quảng cáo trên toàn bộ web. Hiện tại, các công cụ bán quảng cáo của Google kiểm soát 87% thị trường Mỹ, theo một báo cáo của chính phủ. Bộ Tư pháp cho biết công nghệ quảng cáo của Google đã tạo ra khoảng 31,7 tỷ USD trong năm 2021. Tuy nhiên, con số này chỉ đóng góp một phần nhỏ vào lợi nhuận của công ty.

Bộ Tư pháp lập luận rằng sự thống trị của Google trong việc đặt quảng cáo trực tuyến dẫn đến sự tăng giá cho các nhà quảng cáo và nhà xuất bản. Công cụ của Google cũng đã làm tổn hại đến một số ngành công nghiệp, ví dụ như các nhà xuất bản tin tức. Chính phủ cho rằng Google lấy một phần giá trị mỗi khi các nhà xuất bản bán không gian quảng cáo của họ, khiến họ khó duy trì hoạt động kinh doanh.

William Kovacic, cựu chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang, cho biết việc này sẽ "thay đổi trực tiếp cấu trúc của một ngành công nghiệp đã khiến họ trở nên vô cùng quyền lực" bởi quảng cáo trực tuyến là nền tảng của toàn bộ internet.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/my-quyet-tam-xu-ly-google-ve-vi-pham-quang-cao.html