Mỹ rút dần nhân viên ngoại giao ra khỏi Myanmar: Điềm báo cho chính sách
Việc Mỹ rút dần nhân viên ngoại giao ra khỏi Myanmar là chỉ dấu cho thấy Nhà Trắng đã hoàn tất nhận thức về triển vọng diễn biến tình hình ở Myanmar và cơ bản đã xác định định hướng chính sách đối với đất nước này cho thời gian tới.
Sau khi giới quân sự ở Myanmar truất quyền chính quyền dân sự, Mỹ thể hiện thái độ quan tâm ngày càng nhiều đến Myanmar và gia tăng áp lực đối với chính quyền quân sự ở Myanmar. Ngay từ giữa tháng 2 vừa qua, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khuyến nghị nhân viên ngoại giao và thân nhân trong Đại sứ quán Mỹ tự nguyện rời khỏi Myanmar. Vừa rồi, Mỹ chuyển từ tự nguyện thành bắt buộc và chỉ giữ lại ở mức độ thật sự cần thiết.
Trên danh nghĩa, phía Mỹ vẫn duy trì cơ quan đại diện ngoại giao ở Myanmar. Nhưng trong thực chất, việc rút bớt nhân viên ngoại giao là biểu hiện của tình trạng mối quan hệ song phương trở nên tồi tệ hoặc chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao hay thậm chí ngưng trệ quan hệ ngoại giao.
Việc phía Mỹ hiện làm găng với chính quyền quân sự ở Myanmar có căn nguyên bởi từ khi ông Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ đã coi chuyện dân chủ, nhân quyền và Nhà nước pháp quyền là trọng tâm, định hướng, nguyên tắc, tiêu chí trong chính sách đối ngoại. Trong thực chất, việc ông Biden cùng cộng sự gay gắt với chính quyền quân sự ở Myanmar không khác biệt cơ bản gì so với quan điểm cứng rắn, thái độ gay gắt của họ đối với Trung Quốc và Nga trong thời gian vừa qua trên cùng phương diện.
Từ đó có thể thấy việc Mỹ rút bớt nhân viên ngoại giao ra khỏi Myanmar là điềm báo rằng phía Mỹ trù liệu chính quyền quân sự ở Myanmar sẽ còn nhiếp chính trực tiếp trong thời gian không ngắn và Mỹ sẽ còn tiếp tục gây sức ép, gia tăng mức độ áp lực đối với chính quyền hiện tại ở Myanmar.