Mỹ rút quân, CIA chật vật tìm căn cứ để hoạt động tại Afghanistan
Việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan đang gây áp lực căng thẳng buộc CIA phải tìm ra những cách thức mới để thu thập tình báo và tiến hành các hoạt động chống khủng bố tại nước này. Nhưng họ không có nhiều lựa chọn tốt.
Là trung tâm sự hiện diện 20 năm qua của Mỹ ở Afghanistan, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sẽ sớm mất đi các căn cứ ở quốc gia này, nơi họ từng thực hiện các sứ mạng chiến đấu và tấn công bằng máy bay không người lái (drone), cũng như theo dõi chặt chẽ các nhóm cực đoan như Taliban, al-Qaeda và IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng). Các nhà phân tích của cơ quan này đang cảnh báo những rủi ro ngày càng gia tăng khi Taliban giành được quyền kiểm soát tại Afghanitan.
Theo tờ New York Times, các quan chức Mỹ đang nỗ lực vào phút chót để đảm bảo có được các căn cứ gần Afghanistan cho các hoạt động trong tương lai. Tuy nhiên, sự phức tạp của cuộc xung đột tại đất nước này đã khiến các cuộc đàm phán ngoại giao khó khăn, trong bối cảnh các lực lượng Mỹ nỗ lực rút hết vào giữa tháng 7, sớm hơn nhiều so với hạn chót mà Tổng thống Biden đưa ra là 11/9.
Một trọng tâm đàm phán là Pakistan. CIA đã sử dụng một căn cứ tại quốc gia Nam Á này trong nhiều năm để xuất kích các cuộc tấn công bằng drone nhằm vào các chiến binh ở vùng núi tây nam. Tuy nhiên, CIA đã bị Pakistan gạt ra khỏi cơ sở này từ năm 2011, khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng.
Bất kỳ thỏa thuận nào lúc này sẽ phải giải quyết được một thực tế khó chịu là Chính phủ Pakistan từ lâu đã ủng hộ Taliban. Trong các cuộc đàm phán, người Pakistan yêu cầu một loạt hạn chế để đổi lấy việc cho Mỹ sử dụng một căn cứ ở nước này, trong đó có yêu cầu họ phải thông qua bất cứ mục tiêu nào mà CIA hoặc quân đội Mỹ muốn nhắm đến.
Ngoài ra, các nhà ngoại giao Mỹ cũng đang tìm kiếm lựa chọn giành lại quyền tiếp cận căn cứ ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, từng được sử dụng cho Chiến tranh Afghanistan, mặc dù họ chuẩn bị sẵn khả năng Tổng thống Vladimir sẽ phản đối mạnh mẽ.
Thách thức Afghansitan rơi lại tay Taliban
Các báo cáo tình báo quân sự và CIA gần đây về Afghanistan ngày càng bi quan. Những thông tin đó nhấn mạnh những bước tiến của Taliban và các nhóm chiến binh khác ở phía nam và phía đông Afghanistan, đồng thời cảnh báo rằng Kabul có thể rơi vào tay Taliban trong vòng vài năm, trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các chiến binh muốn tấn công phương Tây.
Do đó, giới chức Mỹ nhận thấy sự cần thiết phải có sự hiện diện thu thập thông tin tình báo lâu dài ở Afghanistan rất lâu sau thời hạn mà ông Biden đưa ra để quân đội rời khỏi đất nước. Nhưng việc tìm cách giành giật các căn cứ cho thấy giới chức Mỹ vẫn thiếu một kế hoạch dài hạn để giải quyết vấn đề an ninh ở một quốc gia mà họ đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD và tổn thất hơn 2.400 quân trong gần hai thập kỷ qua.
Giám đốc CIA William Burns thừa nhận thách thức mà cơ quan này phải đối mặt. Ông nói với các thượng nghị sĩ hồi tháng 4: “Khi đến thời điểm rút quân, khả năng thu thập [tình báo] và hành động của Chính phủ Mỹ đối với các mối đe dọa sẽ giảm đi. Đó là sự thật."
Những tuần gần đây, ông Burns đã thực hiện chuyến thăm không báo trước tới Islamabad, Pakistan, để gặp Tư lệnh quân đội Pakistan và Giám đốc cơ quan tình báo quân sự nước này, ISI. Theo các nguồn thạo tin, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng có các cuộc gọi thường xuyên với chỉ huy quân đội Pakistan đề cập trợ giúp cho các hoạt động tương lai của Mỹ ở Afghanistan,
Hai thập kỷ chiến tranh ở Afghanistan đã giúp biến CIA thành một tổ chức bán quân sự: Họ đã thực hiện hàng trăm cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Afghanistan và Pakistan, huấn luyện các đơn vị biệt kích Afghanistan và duy trì sự hiện diện đông đảo mật vụ CIA trong một chuỗi các căn cứ dọc biên giới với Pakistan. Có thời điểm trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama, CIA có hàng trăm đặc vụ ở Afghanistan, đây là đợt tăng nhân sự lớn nhất cho một quốc gia kể từ sau Chiến tranh Việt Nam.
Những hoạt động này cũng phải trả giá đắt. Các cuộc đột kích vào ban đêm của các đơn vị Afghanistan do CIA huấn luyện đã để lại hậu quả là gia tăng sự ủng hộ cho Taliban ở nhiều vùng của đất nước. Những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thường xuyên sai lầm ở Pakistan đã làm chết dân thường và gia tăng áp lực lên chính phủ ở Islamabad về sự hỗ trợ thầm lặng của họ cho các hoạt động của CIA.
Douglas London, cựu Giám đốc Các hoạt động chống khủng bố của CIA tại Afghanistan và Pakistan, nói rằng cơ quan này có khả năng dựa vào một mạng lưới cung cấp thông tin “ở lại phía sau” tại Afghanistan, những người sẽ thu thập thông tin tình báo về Taliban, al-Qaeda, sự ổn định của chính quyền trung ương và các vấn đề khác. Nhưng ông London cho rằng, nếu không có sự hiện diện lớn của CIA việc kiểm tra thông tin tình báo sẽ là một thách thức.
Những lựa chọn từ bên ngoài Afghanistan
Trước mắt, Lầu Năm Góc đang sử dụng tàu sân bay xuất kích các máy bay chiến đấu ở Afghanistan để hỗ trợ việc rút quân. Nhưng sự hiện diện của tàu sân bay không có khả năng là một giải pháp lâu dài và các quan chức quân sự cho biết con tàu có thể sẽ được tái triển khai không lâu sau khi lực lượng cuối cùng của Mỹ rời đi.
Mỹ cũng đang đồn trú máy bay không người lái MQ-9 Reaper ở khu vực Vịnh Ba Tư, loại máy bay này có thể được sử dụng bởi cả Lầu Năm Góc và CIA để thu thập thông tin tình báo và tấn công. Nhưng một số quan chức đã cảnh báo, máy bay không người lái phải bay tới 9 tiếng mỗi chiều cho một sứ mạng ở Afghanistan, khiến hoạt động này trở nên tốn kém và rủi ro hơn vì quân tiếp viện không thể đến nhanh chóng nếu xảy ra khủng hoảng.
Với địa bàn Pakistan, nước này là nhà bảo trợ lâu năm của Taliban, họ coi nhóm này như một lực lượng ủy nhiệm quan trọng ở Afghanistan chống lại các nhóm khác có quan hệ với Ấn Độ. Cơ quan tình báo của Pakistan đã cung cấp vũ khí và đào tạo chiến binh Taliban trong nhiều năm, cũng như bảo vệ các thủ lĩnh của nhóm. Chính phủ ở Islamabad hầu như chắc chắn sẽ không cho phép bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ chống lại Taliban được phát động từ một căn cứ ở Pakistan.
CIA từng sử dụng căn cứ không quân Shamsi ở miền tây Pakistan để thực hiện hàng trăm cuộc không kích bằng máy bay không người lái bắt đầu từ năm 2008 và kéo dài trong những năm đầu của chính quyền Obama. Chính phủ Pakistan từ chối công khai thừa nhận họ cho phép CIA hoạt động và vào cuối năm 2011, Islamabad đã quyết định ngừng các hoạt động của máy bay không người lái Mỹ sau một loạt các sự kiện làm rạn nứt quan hệ hai nước. Trong số đó có vụ bắt giữ một nhà thầu CIA ở Lahore vì bắn thường dân không vũ trang; đặc nhiệm của Mỹ ở Pakistan tiến hành chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden và cuộc không kích của NATO do Mỹ dẫn đầu vào biên giới Afghanistan vào tháng 11/2011 khiến hàng chục binh sĩ Pakistan thiệt mạng.
Các nhà ngoại giao Mỹ cũng đã và đang tìm kiếm các phương án để khôi phục quyền tiếp cận các căn cứ ở Trung Á, bao gồm ở Kyrgyzstan và Uzbekistan, nơi đồn trú quân đội và sĩ quan tình báo Mỹ trong chiến tranh. Trong tháng này, Ngoại trưởng Antony Blinken đã điện đàm với người đồng cấp tại Tajikistan, mặc dù không rõ liệu việc tiếp cận căn cứ có được thảo luận trong cuộc gọi hay không. Bất kỳ cuộc đàm phán nào với các quốc gia đó có thể sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết.
Một quan chức cấp cao Mỹ nhận định, Nga luôn phản đối việc Mỹ sử dụng các căn cứ ở Trung Á và điều đó có khả năng khiến bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào nhằm đảm bảo việc tiếp cận các căn cứ phục vụ mục đích tấn công quân sự sẽ diễn ra chậm chạp.