Mỹ rút tiền từ Zumwalt đóng tàu chặn đòn siêu thanh
Thay vì đóng 32 tàu Zumwalt như kế hoạch ban đầu, Mỹ giảm xuống còn 3 chiếc và số tiền cho chương trình này chuyển sang đóng tàu Arleigh Burke Flight III.
Quyết định được Hải quân Mỹ công bố trong ngân sách dành cho việc đóng tàu mới trong năm tài khóa 2022. Theo kế hoạch ban đầu, Hải quân Mỹ dự định chế tạo 32 tàu lớp Zumwalt với đơn giá mỗi chiếc lên đến 4,4 tỷ USD. Nếu tính cả chi phí phát triển, đơn giá mỗi tàu tới 8,2 tỷ USD, đắt hơn cả tàu sân bay lớp Nimitz.
Giá thành đắt đỏ nhưng khả năng chiến đấu không tương xứng. Chiếc Zumwalt đầu tiên đã được bàn giao cho Hải quân Mỹ từ vài năm trước nhưng đến nay nó vẫn chưa thể tham gia bất kỳ một cuộc diễn tập bắn đạn thật nào do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Sau khi cân nhắc về tính hiệu quả và sự cần thiết giữa chiến hạm Zumwalt và khu trục hạm Arleigh Burke phiên bản Flight III, Hải quân Mỹ đã quyết định chuyển phần lớn số tiền từ chương trình Zumwalt dành cho việc đóng chiến hạm Arleigh Burke thế hệ mới với trang bị tối tân và chi phí rẻ hơn nhiều.
Hiện nay, chiếc chiếc tàu khu trục thế hệ thứ tư đầu tiên (Flight 3) là DDG-125 USS Jack H. Lucas đang được đóng, chiếc tàu dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024. Khu trục hạm mới sẽ nhận được nhiều hơn bệ phóng thẳng đứng giành cho tên lửa Tomahawk, tên lửa chống ngầm và tên lửa phòng không có điều khiển.
Một cải tiến quan trọng khác là thiết bị radar thuộc hệ thống Aegis. Các khu trục hạm mới sẽ được lắp đặt radar AN/SPY-6 mới do nhà thiết kế nổi tiếng của Mỹ là Raytheon phát triển. Sau khi lắp đặt trên những chiếc thuộc Flight 3, những tàu thế hệ trước cũng sẽ được nâng cấp trang bị trạm radar này.
Radar thế hệ trước là Raytheon AN/SPY-1 được phân loại là trạm ba tọa độ đa chức năng với ăng ten mảng pha, có thể đồng thời theo dõi 250 mục tiêu và điều khiển trực tiếp 20 tên lửa.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của radar đã phát hiện một nhược điểm đáng kể, SPY-1 nhìn rõ ở khoảng cách rất xa, nhưng gần như bị mù trước mục tiêu bay thấp.
Các nhà phát triển hứa sẽ thay thế bằng trạm radar mới AN/SPY-6, có tính năng mạnh hơn ba mươi lần so với phiên bản trước, cung cấp phạm vi phát hiện mục tiêu và độ chính xác cao hơn nhiều, khả năng chống nhiễu ở mọi dải tần, độ tin cậy cao và tầm quan sát rộng hơn.
Theo Raytheon, AN/SPY-6 (V) có thể phát hiện mục tiêu nhỏ ở khoảng cách xa gấp đôi so với mẫu AN/SPY-1D, khắc phục được cả khiếm khuyết về phát hiện mục tiêu bay thấp.
Kết quả thử nghiệm lần đầu tiên vào hồi tháng 7/2019 ở ngoài khơi Hawaii đã được công bố, hệ thống radar AN/SPY-6 (V) đã phát hiện, bám bắt một tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) trong suốt quá trình bay, giúp phòng thủ Mỹ diệt gọn mục tiêu.
Việc phát triển và bước đầu thử nghiệm thành công AN/SPY-6 (V) cho thấy, hệ thống radar tối tân này có thể giúp chiến hạm Aegis của Mỹ đủ năng lực đối phó với những tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 1.000-3.000 km như DF-21 của Trung Quốc hay tên lửa hành trình Kalibr, đạn siêu thanh Zircon của Nga.
Nhưng giới chuyên gia Mỹ vẫn cho rằng, loại radar mới của Mỹ có thể thay đổi tình hình hiện nay hay không, vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ. Công việc phát triển một tổ hợp radar phức tạp không phải chỉ một ngày, mà phải mất ít nhất vài năm và trường hợp SPY-6 cũng không phải là ngoại lệ.
Do đó ngay cả khi hệ thống có thể phát hiện và đánh chặn tên lửa hành trình cận âm Kalibr, thì tên lửa siêu thanh Zircon có tốc độ gấp nhiều lần so với Kalibr vẫn là mục tiêu quá khó đối phó với ngay cả chiến hạm thuộc Arleigh Burke Flight 3.