Ông Donald Trump vốn nổi tiếng là người có chính sách cứng rắn đối với Iran, bởi vậy khi quay lại cương vị Tổng thống Mỹ, giới phân tích cho rằng nhiều khả năng Washington sẽ dùng tới biện pháp quân sự nếu căng thẳng không hạ nhiệt.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng cách tiếp cận của ông Donald Trump với Iran trong nhiệm kỳ thứ hai chắc chắn sẽ bao gồm những biện pháp răn đe cứng rắn, thậm chí mức độ hơn hẳn so với nhiệm kỳ đầu tiên.
Không loại trừ sẽ có một cuộc tấn công trực tiếp do Mỹ phối hợp cùng Israel thực hiện nhằm vào các mục tiêu chiến lược của Iran, nhưng Washington sẽ tránh để cho chiến tranh tổng lực xảy ra, hãng tin CNBC cho biết.
Cần nhắc lại việc ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên đã chỉ trích và quyết định hủy bỏ thỏa thuận của nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân Iran với cáo buộc không hạn chế việc phát triển tên lửa đạn đạo cùng với hoạt động làm giàu uranium của Iran.
Bất chấp việc sau đó Tổng thống Mỹ đã ám chỉ rằng bản thân sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán bổ sung, nhưng chỉ khi ông Trump cảm thấy có thể đạt được một thỏa thuận với điều khoản hợp lý hơn.
Chính ông Trump là người đã ra lệnh ám sát Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) - Tướng Qassem Soleimani bằng một quả tên lửa Hellfire phóng từ máy bay không người lái MQ-9 Predator, tạo ra tình huống căng thẳng nghiêm trọng giữa Mỹ và Iran.
Theo các chuyên gia về tình hình khu vực, trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Mỹ có thể tiếp tục chính sách răn đe quân sự, bao gồm những sự việc tương tự hoặc tấn công mạng, nếu Iran thực hiện hành động bị Washington cho là "khiêu khích".
Mặc dù vậy có ý kiến cho rằng bất chấp quan điểm cùng với giọng điệu cứng rắn, về cơ bản thì ông Trump vẫn sẽ cố gắng tránh để chiến tranh nổ ra, nhưng không phủ nhận khả năng sẵn sàng sử dụng vũ lực khi cảm thấy điều này là cần thiết.
Vấn đề nữa là để chống lại các lực lượng ủy nhiệm của Iran, ông Trump dự báo sẽ hạn chế ảnh hưởng của Tehran lên những đồng minh như nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon hoặc Houthi tại Yemen, Washington sẽ áp dụng nhiều biện pháp khác nhau từ cứng rắn đến mềm mỏng.
Bên cạnh đó, có lẽ ông Trump sẽ cố gắng lôi kéo các đồng minh châu Âu tham gia vào bàn cờ địa chính trị Trung Đông, để họ ủng hộ đường lối cứng rắn hơn chống lại Iran và kiềm chế giao dịch với Cộng hòa Hồi giáo.
Không chỉ có vậy, Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực thành lập một liên minh chống Iran ở Trung Đông, bao gồm Israel cùng với các quốc gia theo chế độ quân chủ nằm xung quanh Vịnh Ba Tư.
Mỹ cũng phải nỗ lực hơn nữa nhằm cắt đứt liên minh đang được thắt chặt giữa Nga và Iran, bởi Moskva - Tehran đã thiết lập liên minh quân sự nhằm sẵn sàng đối phó thách thức bên ngoài.
Trong lúc này có cảnh bảo lập trường cứng rắn của ông Trump có thể cô lập chính nước Mỹ, trừ khi các đồng minh châu Âu và nhiều đối tác khác ủng hộ cách tiếp cận mềm mỏng hơn, bởi nếu chiến tranh xảy ra tại Trung Đông sẽ là thảm họa cho nền kinh tế của họ.
Chính sách Iran của ông Trump nhằm vào Iran có thể sẽ liên quan đến sự kết hợp giữa áp lực kinh tế, đe dọa quân sự và cô lập ngoại giao, mục tiêu hướng tới việc đạt được lợi ích chiến lược.
Việt Dũng
Theo CNBC