Mỹ sẽ cung cấp thêm một tàu cảnh sát biển cho Việt Nam
Phái đoàn lưỡng viện Mỹ đang ở Hà Nội cho biết cả Quốc hội và Chính phủ nước này ủng hộ việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược.
Mỹ đã cung cấp hai tàu cảnh sát biển cho Việt Nam, và sắp tới, sau khi hoàn tất thủ tục chi tiết, sẽ cung cấp thêm một tàu nữa, trên tinh thần hỗ trợ Việt Nam củng cố an ninh trên biển.
Thượng nghị sĩ Jeff Merkley chia sẻ với báo chí Việt Nam tại Hà Nội, chiều nay, 8-4, trong chuyến công tác của phái đoàn lưỡng viện Hoa Kỳ tại ASEAN, do ông dẫn đầu.
Thượng nghị sĩ Merkley cho biết phái đoàn nghị sĩ tới Việt Nam lần này với hai sứ mệnh: Thúc đẩy quá trình giải quyết hậu quả chiến tranh và nâng tầm quan hệ hợp tác Việt - Mỹ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ biển Đông, biến đổi khí hậu đến hợp tác đầu tư.
Thượng nghị sĩ Merkley một lần nữa nhắc lại quan điểm của mình đã đưa ra trước chuyến đi là mong muốn nâng tầm quan hệ song phương Việt - Mỹ từ đối tác toàn diện hiện tại lên lên tầm đối tác chiến lược. Ông cho biết, mong muốn này nhận được sự ủng hộ Quốc hội và Chính phủ Mỹ.
"Trong thời gian qua, nhiều quan chức hành pháp Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc USAID đã có những chuyến đi tới Việt Nam. Sự có mặt của phái đoàn Quốc hội chúng tôi cho thấy cả hệ thống hành pháp và lập pháp Mỹ đều ủng hộ sự phát triển của mối quan hệ Việt - Mỹ" - Thượng nghị sĩ Merkley chia sẻ.
Tiếp lời ông Merkley, một thành viên khác trong phái đoàn nghị sĩ Mỹ, Thượng nghị sĩ Van Hollen nhấn mạnh mục đích của những ngày làm việc tại Việt Nam là tiếp nối nỗ lực của các thế hệ nghị sĩ đi trước trong việc củng cố và phát triển quan hệ song phương hai nước.
"Đây là một sứ mệnh tiếp lửa từ những thế hệ nghị sĩ đi trước như cố Thượng nghị sĩ John McCain và cựu Thượng nghị sĩ Patrick Leahy" - ông Van Hollen nói.
Chia sẻ với phóng viên về việc hỗ trợ an ninh hàng hải cho Việt Nam, ông Merkley cho biết, các diễn biến tại biển Đông đều liên quan đến an ninh của Việt Nam. Đây chính là lý do mà Hoa Kỳ những năm qua đã chuyển cho Việt Nam các tàu cảnh sát biển, và tới đây đang tiếp tục.
Theo ông Van Hollen, các chương trình giải quyết hậu quả chiến tranh tiếp tục là trọng tâm của quan hệ song phương Việt - Mỹ trong thời gian tới. Bốn cột trụ của các chương trình này gồm hỗ trợ các cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, tẩy độc và ô nhiễm, rà phá bom mìn chưa phát nổ, cùng nhận dạng ADN và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Trong thời gian tới, bên cạnh chương trình tẩy độc dioxin trị giá 300 triệu USD tại sân bay Biên Hòa và sân bay Đà Nẵng, Mỹ sẽ xem xét cung cấp các khoản viện trợ mới cho Việt Nam để tiến hành các chương trình tương tự.
Bên lề họp báo, hạ nghị sĩ Jayapal, một trong năm thành viên phái đoàn lưỡng viện Mỹ chia sẻ bà đã từng có mặt tại Việt Nam trong một tháng vào năm 1995, trong một chương trình hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS. Nay trở lại Hà Nội, bà cảm thấy "choáng ngợp" trước thay đổi và phát triển của Thủ đô.
"Sự thay đổi của Hà Nội thật sự làm tôi choáng ngợp. Việt Nam là một đất nước quật cường. Chúng tôi cũng vô cùng ngưỡng mộ và biết ơn lòng vị tha của các bạn" - bà Jayapal nói.
Đoàn nghị sĩ lưỡng viện Mỹ đang trong chuyến thăm Việt Nam năm ngày, từ 7 đến 11-4. Những ngày tới, đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ sẽ bay sang Indonesia - nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2023.
Dự kiến, trong chuyến thăm lần này đoàn sẽ có hơn 35 cuộc gặp với các quan chức, lãnh đạo ASEAN và một số tổ chức khác.
Sáng 8-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn 5 nghị sĩ Mỹ. Tại cuộc gặp, Thủ tướng đề nghị quốc hội Mỹ dành thêm nguồn lực và ngân sách hỗ trợ Việt Nam để thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và ứng phó biến đổi khí hậu, tiếp tục ủng hộ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực quan trọng. Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là tiếp xúc cấp cao, trong năm 2023.
Cũng trong ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc tiếp Thượng nghị sĩ Merkley cùng phái đoàn lưỡng viện Quốc hội Mỹ và trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề biển Đông.
Hai bên nhất trí về duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không trong vấn đề Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Cũng trong buổi gặp, ông Merkley đã trao tặng Bộ Quốc phòng bộ tài liệu về bộ đội Việt Nam mất tích, mất tin trong chiến tranh. Ông thông báo Quốc hội Mỹ đã thông qua gói nâng hỗ trợ cho dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa với số tiền 300 triệu USD.
Nguồn PLO: https://plo.vn/my-se-cung-cap-them-mot-tau-canh-sat-bien-cho-viet-nam-post727905.html