Mỹ sẽ không gia hạn START-3 sau khi chứng kiến Avangrad
Những nỗ lực nhằm gia hạn hiệp ước Cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3) với Mỹ của Nga dường như không mang lại kết quả.
Hôm 21/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Mỹ ngày càng tiến tới gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân với Nga, đặc biệt có những dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ không gia hạn khi START-3 hiệu lực vào đầu nawem 2021.
Để thể hiện thiện chí của mình, hồi cuối năm 2019, Moscow đã gửi các đề xuất của mình tới Washington để gia hạn START-3.
"Đến nay chúng tôi chưa nhận được câu trả lời nào, nhưng trong thời gian đó chúng tôi thấy Mỹ có hành động ngược lại theo hướng gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân", Ngoại trưởng Lavrov nói.
Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Aleksandr Fomin cũng cho biết, Nga có những câu hỏi dành cho Mỹ về việc thực hiện những điều khoản của START-3:
"Chúng tôi có một loạt câu hỏi cho phía Mỹ liên quan đến việc thực hiện một số điều khoản của hiệp ước. Những câu hỏi này đang được xem xét trong hội đồng tư vấn song phương. Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các vấn đề sẽ được giải quyết trong tương lai".
Thứ trưởng Nga nhấn mạnh, START-3 là thỏa thuận quốc tế duy nhất hạn chế chạy đua vũ khí tấn công chiến lược. Theo thứ trưởng, hiệp ước này là nhân tố quan trọng để duy trì tình trạng ổn định chiến lược.
Để minh bạch, Nga đã để các thanh sát viên của Mỹ quan sát trực tiếp tên lửa Avangard được trang bị khối tên lửa có cánh siêu vượt âm.
Bước đi này của Nga là muốn cho Mỹ thấy việc tuân thủ nghiêm túc các cam kết, trước hết nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thực hiện hiệp START-3.
Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng của Nga, phía Mỹ đang cho thấy điều ngược lại khi Defence News và nhiều trang báo quốc phòng uy tín khác của Mỹ cho rằng, Lầu Năm Góc sẽ không gia hạn START-3 sau khi đã rời khỏi Hiệp ước INF.
Lý do của các nhà chức trách Mỹ đưa ra rằng, việc thực hiện Hiệp ước START-3 không mang lại lợi ích gì cho họ. Như đã biết Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987.
Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km).
Còn Hiệp ước START-3 được ký vào năm 2010 và có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Theo Hiệp ước này cả Nga và Mỹ sẽ phải cắt giảm số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa và máy bay ném bom hạng nặng chỉ còn 700 đơn vị và dưới 1500 đầu đạn trên chúng.
Trước đó, chính quyền Mỹ dưới thời ông Barack Obama và các đồng nghiệp của ông coi việc ký kết thành công Hiệp ước START-3 là một chiến thắng chính trị quan trọng đối với Hoa Kỳ, nhưng đối với Donald Trump và chính quyền của ông mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi.
Theo ông Donald Trump, Hiệp ước START-3 có lợi hơn cho Moscow so với Washington, vì vậy, đối với người Mỹ, tốt hơn hết là nên rút khỏi Hiệp ước này. Mới đây các nhà ngoại giao của Nga và Mỹ đã tổ chức cuộc họp tại Geneva về tương lai của Hiệp ước START-3.
Như đã biết Hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021 và Nga sẵn sàng ký kết mở rộng Hiệp ước, tuy nhiên Hoa Kỳ hoàn toàn không có ý định như vậy.
Washington tuyên bố mong muốn rút khỏi các thỏa thuận này vì phía Nga đã vi phạm nghiêm trọng chúng, trong khi đó Mỹ luôn tuân thủ các điều khoảng của Hiệp ước.
Ngoài ra việc phải tuân thủ các Hiệp ước sẽ không tạo điều kiện cho Nga và Mỹ phát triển các loại vũ khí mới, đặc biệt là trong thời đại công nghệ mới.
Hơn nữa việc bị ràng buộc bởi các Hiệp ước khiến Mỹ dần thất thế trong cuộc đối đầu chiến lược với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy chấm dứt các thỏa thuận này là cần thiết.