Mỹ sẽ nâng cấp tên lửa 'sát thủ đánh chặn' SM-6

Một số nguồn tin gần đây cho biết, Mỹ đang triển khai kế hoạch hiện đại hóa tên lửa phòng không SM-6 nhằm đám ứng các nhiệm vụ mới, cũng như tăng cường khả năng phòng không - phòng thủ tên lửa trong bối cảnh mới.

Song song với kế hoạch phát triển các loại vũ khí siêu thanh đầy hứa hẹn, các cường quốc quân sự hàng đầu đang đặc biệt quan tâm nghiên cứu vấn đề phòng vệ trước các mối đe dọa từ loại vũ khí này.

SM-6 dự kiến có thể mang theo trên lửa Tomhawk. (Top War)

SM-6 dự kiến có thể mang theo trên lửa Tomhawk. (Top War)

Cơ hội hiện tại

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (ADM) đang triển khai nâng cấp các hệ thống bảo vệ chống lại các mối đe dọa siêu thanh phục vụ nhiệm vụ trong trung hạn. Dự kiến, trong tương lai gần, cơ quan này sẽ xây dựng những khái niệm chung về tên lửa đánh chặn, cũng như tạo cơ sở công nghệ cho các nền tảng tên lửa tiếp theo.

Gần đây, ADM cũng hợp tác với một số nhà thầu quân sự thực hiện chương trình quân sự về tên lửa đánh chặn là RGPWS và GPI. Mục đích là tìm ra các giải pháp để mở rộng các chức năng của bộ phận trên biển của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược. Vì vậy, ADM có kế hoạch thử nghiệm tên lửa phòng không nối tiếp SM-6 và xác định khả năng đánh chặn các mục tiêu siêu thanh của nó.

Đặc tính kĩ thuật

Tên lửa phòng không dẫn đường SM-6 hay còn được gọi là tên lửa chủ động tầm xa RIM-174 (ERAM) được phát triển bởi Raytheon và được đưa vào trang bị cho Hải quân Mỹ vào năm 2013. Sau đó, những vũ khí này đã được bán cho một số đồng minh của Washington.

SM-6 là tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn 2 tầng, có thể phóng đến độ cao đạt 34 km. Chiều dài tên lửa đạt 6,6m với đường kính tối đa khoảng 530mm. Trọng lượng phóng 1.500kg, trong đó đầu đạn phân mảnh nặng đến 64kg. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và điều hướng bằng radar chủ động - thụ động. Khi bay, SM-6 có thể đạt tốc độ siêu thanh xấp xỉ 3.5 Mach. Tầm bắn công bố là 240km và có triển vọng tăng lên gấp đôi sau khi cải tiến.

Tên lửa được vận chuyển và phóng nhờ vào hệ thống gầm tải đa năng Mk 41. Điều này cho phép SM-6 linh hoạt triển khai trên trên các boong tàu kể cả của Mỹ và nước ngoài. Vì vậy, Hải quân Mỹ triển khai tên lửa RIM-174 ERAM trên các tàu tuần dương Ticonderoga và các tàu khu trục Arleigh Burke.

Ban đầu, SM-6 là tên lửa phòng không dùng để tấn công các mục tiêu khí động học ở khoảng cách rất xa so với tàu sân bay. Trong quá trình hiện đại hóa tiếp theo, thiết bị tìm kiếm đã được cải tiến, nhờ đó tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu đạn đạo. Trong các cuộc thử nghiệm, khả năng bắn trúng tên lửa tầm trung của SM-6 đã nhiều lần được kiểm chứng, bao gồm cả trong môi trường nhiễu động.

Nhà sản xuất cũng có kế hoạch cải tiến tích hợp khả năng chống chiến hạm để tên lửa trở thành phương tiện tấn công các mục tiêu mặt đất kể từ năm 2020. Phiên bản RIM-174 năm 2023 này sẽ bổ sung tên lửa Tomahawk hiện có.

Hiệu quả và tính kinh tế

Mặc dù Lầu Năm Góc và Cơ quan ADM vẫn chưa đánh giá đầy đủ triển vọng của SM-6 trong vai trò mới. Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá tích cực rằng một dự án như vậy sẽ mang lại những lợi thế về cả bản chất kỹ thuật và kinh tế.

Trong các cuộc thử nghiệm, tên lửa SM-6 đã thể hiện và khẳng định đặc tính bay cao xuất sắc. Hệ thống điều khiển và hệ thống tìm kiếm giúp giải quyết hiệu quả vấn đề đánh chặn các mục tiêu khí động học cơ động và các vật thể đạn đạo tốc độ cao với quỹ đạo có thể đoán trước được. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng nghiên cứu đến việc thay thế đầu đạn GOS cho các mục đích khác nhau.

Như vậy, tên lửa RIM-174 / SM-6 thực tế không chỉ là một vũ khí phòng không, mà còn là một bệ phóng đa năng phù hợp để giải quyết các nhiệm vụ khác nhau. Hiệu suất năng lượng cao kết hợp với các phương tiện điều khiển và dẫn đường tiên tiến có thể khiến nó trở thành sát thủ đánh chặn mục tiêu siêu thanh mà không cần phát triển một số thành phần chính, vốn mang đặc trưng phức tạp và chi phí cao.

Lầu Năm Góc có kế hoạch tiến hành các cuộc thử nghiệm và đánh giá về khả năng triển khai, thực hiện và ứng dụng thực tế bắt đầu vào cuối năm nay. Nếu SM-6 chứng minh khả năng đối phó với mối đe dọa siêu âm, kế hoạch cải tiến sẽ bước sang một giai đoạn mới trong một vài năm tới.

Nếu ngược lại, Lầu Năm Góc và các đối tác sẽ phải tìm kiếm và đưa ra các giải pháp thay thế đến khi xuất hiện một hệ thống phòng thủ tên lửa mới có khả năng chống lại các hệ thống siêu thanh của kẻ thù tiềm tàng.

(theo Top War)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-se-nang-cap-ten-lua-sat-thu-danh-chan-sm-6-144348.html