Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Triều Tiên trước cuộc bầu cử tổng thống?
Câu hỏi được Tạp chí National Interest cho là 'câu hỏi triệu đô' trong bối cảnh những động thái của chính phủ Hoa Kỳ đối với Triều Tiên khó dự đoán hơn dưới hiệu ứng của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sau hậu quả của cuộc khủng hoảng toàn cầu do dịch COVID-19.
Ngày 13/6, Tạp chí National Interest có bài viết "Donald Trump có thể tấn công Triều Tiên trước cuộc bầu cử năm 2020?" đề cập đến những dự đoán về mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Theo bài viết, phần lớn nghiên cứu về quan hệ Hoa Kỳ-Triều Tiên tập trung vào sự khó lường của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, năm nay, những động thái của chính phủ Hoa Kỳ đối với Triều Tiên sẽ khó dự đoán hơn do hiệu ứng của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sau hậu quả của cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Tạp chí National Interest viết, "Nhìn vào dữ liệu sau Chiến tranh Lạnh về các liên quan quân sự và các cuộc bầu cử tổng thống (và Quốc hội) Hoa Kỳ cho thấy, các cuộc bầu cử không ảnh hưởng đến khả năng Hoa Kỳ sử dụng lực lượng quân sự.
Không có mối liên hệ thống kê giữa khoảng cách với các cuộc bầu cử và các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ. Cuộc chiến ở Mỹ ở Afghanistan bắt đầu chưa đầy một năm sau khi George W. Bush trở thành tổng thống. Cuộc chiến ở Iraq bắt đầu chưa đầy một năm trước khi ông tái đắc cử. Các hoạt động quân sự ở Kosovo, Somalia, Pakistan, Yemen, Libya, Syria và Mali bắt đầu mà không có sự tương ứng với chu kỳ bầu cử".
Tuy nhiên, Tạp chí National Interest cho rằng,với Tổng thống Donald Trump, có thể khác. Không giống như các tổng thống khác, vị trí của Tổng thống Donald Trump thời điểm hiện nay đang gặp nhiều bất lợi. Vị trí của ông vốn rất mạnh mẽ trước sự bùng nổ của đại dịch do virus corona gây ra. Nhưng sau khi dịch "làm náo loạn" nước Mỹ, ngay cả số liệu thống kê về việc làm cũng đã chống lại ông Trump.
Vấn đề ở Bán đảo Triều Tiên cũng đặc biệt. Theo Tạp chí National Interest, "ở đó (Bán đảo Triều Tiên - PV), ông Trump muốn cho người Mỹ thấy rằng ông có thể giải quyết một vấn đề mà những người tiền nhiệm của ông, kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên, đã cố gắng và không giải quyết được".
Tuy nhiên, vấn đề là Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân, dẫn đến mối quan hệ Hoa Kỳ-Triều Tiên đi vào ngõ cụt. Nếu Triều Tiên được thuyết phục rằng họ sẽ an toàn nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân, thì họ có thể từ bỏ.
Nhưng Hoa Kỳ luôn răn đe "sẽ trừng phạt những người làm sai" khiến các quốc gia khó có thể từ bỏ những biện pháp mà họ cho là để "phòng vệ chính đáng". Với sự đe dọa của Hoa Kỳ, Triều Tiên chắc chắn có thể phải nhận hình phạt nếu tấn công Hoa Kỳ hoặc các đồng minh.
Do đó, Tạp chí National Interest nhận định, "Hoa Kỳ không thể tạo ra một sự tin cậy để thuyết phục Triều Tiên chịu nhượng bộ về vấn đề này (vấn đề giải trừ hạt nhân - PV)". Trong trường hợp không có sự thay đổi mạnh mẽ về bối cảnh chính trị sẽ khó có thể mong đợi giải trừ hạt nhân của Triều Tiên.
Triều Tiên chỉ có thể cảm thấy an toàn (khi giải trừ hạt nhân) nếu Triều Tiên và Hàn Quốc có thể thống nhất. Khi đó, sự xâm lược chống lại Triều Tiên cũng sẽ trở thành sự xâm lược đối với đồng minh của Hoa Kỳ, Hàn Quốc (nghĩa là được Hoa Kỳ bảo trợ về an ninh).
Nhưng không có tình huống nào sẽ sớm xảy ra nên ông Trump sẽ sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Triều Tiên như một phần trong chiến dịch bầu cử của mình? "Điều đó tùy thuộc vào Tổng thống" - Tạp chí National Interestđưa ra nhận định.
National Interest là một tạp chí quốc tế của Mỹ, do Trung tâm lợi ích quốc gia xuất bản hai tháng một lần. Trung tâm lợi ích quốc gia gồm nhóm chuyên gia về chính sách công cộng, có trụ sở tại Washington, D.C., được thành lập bởi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon vào ngày 20/1/1994, với tư cách là Trung tâm Hòa bình và Tự do Nixon.