Mỹ siết thuế khiến các 'hổ châu Á' tính đổ vốn vào siêu dự án khí đốt Alaska
Nhật Bản, Hàn Quốc đang cân nhắc đầu tư vào một dự án khí đốt tự nhiên khổng lồ ở Alaska nhằm đạt được thỏa thuận thương mại vừa đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Donald Trump vừa tránh được mức thuế quan cao Mỹ áp lên hàng hóa xuất khẩu của họ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Washington D.C., ngày 7/2. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Alaska từ lâu đã tìm cách xây dựng một đường ống vận chuyển khí đốt dài 1.287km băng qua tiểu bang với điểm cuối cùng là Cook Inlet ở phía Nam, nơi khí đốt sẽ được hóa lỏng để xuất khẩu sang châu Á.
Dự án có tên gọi Alaska LNG với mức giá ngất ngưởng lên tới 40 tỷ USD vẫn “đóng băng” trên giấy trong nhiều năm. Tuy nhiên, gần đây Alaska LNG bắt đầu có dấu hiệu của sự sống với Tổng thống Trump coi dự án này là ưu tiên quốc gia.
Vào đầu tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Bộ trưởng Scott Bessent còn bổ sung rằng thỏa thuận như vậy sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu của Tổng thống Trump là giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
CEO của tập đoàn Glenfarne, đơn vị phát triển chính dự án Alaska LNG, ông Brendan Duval đã đồng hành cùng Thống đốc Alaska Mike Dunleavy trong chuyến công tác tại Hàn Quốc và Nhật Bản vào tháng 3. Họ đã gặp gỡ các quan chức cấp cao chính phủ và ngành công nghiệp tại hai quốc gia châu Á. Ông Duval cho biết các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc đã đặt câu hỏi rằng liệu các ngân hàng phát triển của họ có thể giúp tài trợ cho Alaska LNG hay không.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba vào tháng 2, Tổng thống Trump nói rằng hai nước đang thảo luận về đường ống dẫn khí và khả năng liên doanh khai thác dầu khí Alaska. Bên cạnh đó, ông Trump cho biết đã thảo luận về việc mua LNG của Mỹ trên quy mô lớn trong cuộc điện đàm ngày 8/4 với quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-Soo cũng như sự góp mặt của Hàn Quốc trong một liên doanh xây dựng đường ống dẫn khí tại Alaska.
Dự án Alaska LNG có ba hạng mục chính: đường ống dẫn khí đốt, một nhà máy xử lý khí và một nhà máy hóa lỏng khí để xuất khẩu. Các cơ sở này ước tính có chi phí lần lượt là khoảng 12 tỷ USD, 10 tỷ USD và 20 tỷ USD.
Ông Brendan Duval tiết lộ rằng các giấy phép cho Alaska LNG đã có hiệu lực. Tập đoàn Glenfarne dự kiến sẽ đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng trong 6 đến 12 tháng tới cho giai đoạn đầu tiên của dự án, liên quan đến đường ống từ North Slope đến Anchorage cung cấp khí đốt cho nhu cầu tiêu thụ ở Alaska.
Việc xây dựng nhà máy LNG dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm 2026. Mục tiêu là hoàn thành toàn bộ dự án Alaska LNG trong 4,5 năm với hoạt động thương mại đầy đủ bắt đầu từ năm 2031. Alaska LNG có kế hoạch sản xuất 20 triệu tấn LNG mỗi năm, tương đương 23% trong số 87 triệu tấn LNG mà Mỹ đã xuất khẩu vào năm ngoái.
Alaska đóng vai trò trung tâm trong mục tiêu thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu dầu khí Mỹ của Tổng thống Trump, một phần trong chương trình nghị sự của Nhà Trắng về "sự thống trị năng lượng" của Mỹ. Vào ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm khai thác "tiềm năng tài nguyên phi thường" của Alaska, ưu tiên phát triển LNG tại tiểu bang này.
Ông Duval cho biết, Alaska LNG nhiều khả năng sẽ được cấu trúc dưới dạng một liên doanh, trong đó các đối tác châu Á sẽ ký hợp đồng mua khối lượng lớn LNG thay vì nắm giữ cổ phần trực tiếp trong dự án, dù Glenfarne vẫn để ngỏ khả năng đó. Cũng theo ông Duval, mục tiêu của Glenfarne là trở thành chủ sở hữu và đơn vị vận hành lâu dài của dự án Alaska LNG cùng với các đối tác.
Ông Bob McNally, từng là cố vấn năng lượng cho cựu Tổng thống George W. Bush, nhận định chính quyền Tổng thống Trump rõ ràng đang gây sức ép buộc Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đầu tư vào Alaska LNG. Theo ông McNally, dù Nhật Bản muốn vừa làm hài lòng ông Trump vừa đa dạng hóa nguồn cung LNG nhưng Tokyo vẫn có thể do dự trong việc rót vốn vào dự án này bởi chi phí cao, độ phức tạp và rủi ro.
Bên cạnh đó, ông McNally nhắc đến một trở ngại khác, là khả năng đảng Dân chủ giành lại quyền lực vào năm 2028 và tìm cách ngăn cản dự án với lý do lo ngại tác động môi trường.
Theo ông Alex Munton, trưởng bộ phận nghiên cứu khí đốt và LNG toàn cầu tại công ty Rapidan (Mỹ), Alaska LNG không chỉ đối mặt với rủi ro chính trị mà còn không có logic thương mại rõ ràng. Ông lập luận: “Nếu có, dự án đã nhận được nhiều ủng hộ hơn, trong khi thực tế là nó đã nằm trên bàn kế hoạch hàng chục năm qua”. Ông Munton bổ sung rằng, hiện tại, các khách hàng châu Á có nhiều lựa chọn LNG hấp dẫn hơn ở khu vực vùng vịnh duyên hải Mỹ.
Hơn nữa ông Munton đánh giá dự án này khá đắt đỏ, ngay cả khi chiểu theo tiêu chuẩn của ngành LNG – vốn nổi tiếng là lĩnh vực xây dựng có chi phí cao nhất trong ngành năng lượng. Với tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ USD (ước tính cách đây hai năm), con số này rất có thể cần được điều chỉnh tăng do lạm phát và biến động giá cả.
Trong khi đó, Thống đốc bang Alaska Mike Dunleavy khẳng định: “Chúng tôi có sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ. Chúng tôi có các đồng minh châu Á đang rất cần khí đốt, liên minh địa chính trị đang thay đổi. Các vấn đề liên quan đến thuế quan đang được đặt ra. Nếu nhìn dự án trong bối cảnh đó, nó thực sự là một dự án khả thi”.