Mỹ tái kích hoạt lệnh trừng phạt dầu mỏ chống Venezuela
Mỹ hôm thứ Ba tuyên bố sẽ tái kích hoạt các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu khí Venezuela, với phán quyết rằng Tổng thống Nicolas Maduro đã không tôn trọng các cam kết tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống công bằng trong năm nay, AFP đưa tin.
“Trong trường hợp không có tiến triển, bao gồm việc cho phép tất cả các ứng cử viên tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, Mỹ sẽ không gia hạn giấy phép mua dầu khí của Venezuela, khi giấy phép này sẽ hết hạn vào ngày 18/4/2024”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố.
Washington đã thông báo vào tối thứ Hai rằng họ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với công ty đại chúng Minerven, công ty khai thác vàng của Venezuela.
Cơ quan kiểm soát tài chính (Ofac) của Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một lưu ý rằng các công ty Mỹ có thời hạn đến ngày 13/2 để “hoàn thành mọi giao dịch đang diễn ra” với Minerven.
Trước đó, Mỹ đã quyết định giảm các lệnh trừng phạt được công bố sau thỏa thuận bầu cử được ký kết ở Barbados vào tháng 10/2023 giữa đại diện của Tổng thống Maduro và phe đối lập, nhằm tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.
Thỏa thuận này đã tạo cơ hội cho những người “có tham vọng tranh cử”. Đáp lại, Washington đã gia hạn việc mua dầu khí của Venezuela trong thời gian sáu tháng.
Nhưng Tòa án Tối cao Venezuela tuần trước đã xác nhận ứng cử viên đối lập Maria Corina Machado không đủ tư cách trong cuộc bầu cử tổng thống, một quyết định bị Washington và Liên minh châu Âu lên án.
Thỏa thuận Barbados
Không có “cuộc bầu cử nào mà tôi không thể tham dự”, bà Machado phát biểu hôm thứ Hai, sau án phạt 15 năm mất tư cách tham dự bất cứ một cuộc bầu cử nào với lý do không đủ tư cách.
Ở tuổi 56, người theo chủ nghĩa tự do nổi tiếng vì tính hiếu chiến này đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của phe đối lập Venezuela vào tháng 102023, với 92% số phiếu bầu.
Cuộc đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập bắt đầu vào tháng 8/2021 và đã bị trì hoãn lần trước khi ký kết thỏa thuận ở Barbados.
Nhưng Tổng thống Maduro hôm thứ Năm tuần trước cho biết những thỏa thuận này đã bị phá hủy.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Ba rằng thỏa thuận Barbados "vẫn là cơ chế khả thi nhất" để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela, "nhưng điều này đòi hỏi ông Maduro và các đại diện của ông tôn trọng lộ trình, đảm bảo rằng phe đối lập cũng có quyền tự do lựa chọn ứng viên như trong thỏa thuận”, Reuters đưa tin.
Ông Nicolas Maduro tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2018 trong một cuộc bỏ phiếu bị phe đối lập tẩy chay và không được hơn 60 quốc gia công nhận, bao gồm cả Mỹ, quốc gia đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với nước này.
Venezuela được lãnh đạo từ năm 1999 bởi Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (PSUV), đảng đầu tiên đưa Hugo Chavez lên nắm quyền và sau khi ông qua đời vào năm 2013, người kế nhiệm ông là Nicolas Maduro.
Theo báo cáo năm 2021 của Liên hợp quốc, các lệnh trừng phạt về kinh tế của Mỹ đã giết chết hàng chục nghìn người Venezuela.
“Các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ đã phong tỏa nền kinh tế, đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương. Các lệnh trừng phạt này có mục tiêu nhằm vào người Venezuela, các công dân và doanh nghiệp của nước thứ ba. Sự tuân thủ quá mức của các ngân hàng và doanh nghiệp từ nước thứ ba cũng góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội đã tồn tại từ trước. Không có tầng lớp nào trong xã hội không bị ảnh hưởng”, báo cáo kết luận.
Dù Mỹ tuyên bố các lệnh trừng phạt là vì lợi ích của Venezuela. Nhưng trên thực tế, chính quyền ông Biden đang đe dọa sẽ thắt chặt hơn nữa.
Vài tháng trước, Tổng thống Nicolás Maduro đã được hỏi về sự chỉ trích của Mỹ đối với hệ thống bầu cử Venezuela, ông cho biết: “Chúng tôi muốn các cuộc bầu cử không bị trừng phạt, phong tỏa, gây hấn và bị ảnh hưởng bởi chiến tranh kinh tế. Hãy dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt”.
Ông Maduro khẳng định sẽ không bị tác động bởi những lời đe dọa của Mỹ và nhiều cuộc thăm dò cho thấy có nhiều khả năng ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới của đất nước.