Mỹ tăng tốc sản xuất máy thở

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với sức ép lớn khi các bệnh viện nước này thiếu khẩu trang chuyên dụng và các trang thiết bị y tế cần thiết khác, đặc biệt là máy thở.

Theo Reuters, ngày 29-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc các bệnh viện tích trữ máy thở, vốn đang khan hiếm trên toàn nước Mỹ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu. "Bất kỳ bệnh viện nào không sử dụng đến thiết bị này đều phải giải phóng chúng", ông Trump nhấn mạnh.

Nhận xét của nhà lãnh đạo Mỹ được đưa ra chỉ hai ngày sau khi ông dùng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để yêu cầu hãng xe ô tô General Motors chế tạo máy thở cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ông chủ Nhà Trắng đã chỉ trích hãng này đang “lãng phí thời gian” cho những cuộc thương lượng. Với DPA, chính quyền Mỹ được quyền buộc các doanh nghiệp sản xuất bất kỳ vật liệu hoặc sản phẩm cần thiết nào cho an ninh quốc gia và các mục đích khác. Vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ tuyên bố nước này sẽ có thêm 100.000 máy thở trong vòng 100 ngày tới. Theo ông Donald Trump, nhiều nước như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italy cũng rất thiếu máy thở và nếu sản xuất thừa máy thở, Mỹ có thể xuất khẩu.

 Nhiều bệnh viện thiếu máy thở dành cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Nhiều bệnh viện thiếu máy thở dành cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Với tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng nhanh chóng tại Mỹ đã xảy ra tình trạng tích trữ trang thiết bị bảo hộ cần thiết tại các bệnh viện, thậm chí giữa các khoa trong cùng một bệnh viện. Điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng nếu không có đủ trang thiết bị, nhân viên y tế tuyến đầu sẽ bị bệnh, bệnh nhân sẽ tử vong và hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể sụp đổ. Trước tình hình này, ngày 25-3, Tổng thống Donald Trump đã phải ký một sắc lệnh ngăn chặn việc tích trữ và đầu cơ các trang thiết bị y tế thiết yếu để đối phó với đại dịch Covid-19, bao gồm máy thở và khẩu trang.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, nhu cầu sử dụng máy thở toàn cầu tăng mạnh. Theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins, thông thường, Mỹ trang bị đủ số máy thở cho khoảng 160.000 người, nhưng trong đợt dịch bệnh này các bệnh viện cần thêm tổng cộng hàng chục nghìn máy thở mới đủ cho số bệnh nhân ngày càng gia tăng. Tại bang New York, tâm dịch Covid-19 của nước Mỹ, chính quyền bang này cho biết cả bang chỉ có 3.000 giường chăm sóc tích cực và khoảng 5.000-6.000 máy thở. Giữa lúc dịch Covid-19 gây sức ép nghẹt thở lên hệ thống y tế địa phương, Thống đốc Andrew Cuomo của bang này yêu cầu mọi cơ quan y tế trong bang chuyển máy thở không sử dụng tới các bệnh viện đang chữa trị người nhiễm Covid-19. "Máy thở, máy thở và máy thở. Đó là thứ thiết bị chúng ta cần nhất lúc này", Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nhấn mạnh. Ông cũng thừa nhận có thể bang này sẽ cần thêm 30.000 máy thở khi dịch bệnh đang lan nhanh tại New York. Do đó, chính quyền Mỹ đang tìm mọi cách để có thể mua càng nhiều máy thở càng tốt cho các bệnh viện khi bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở nước này đang tăng vọt mỗi ngày.

Nhu cầu máy thở lớn đến mức Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải "bật đèn xanh" cho các hãng ô tô tái cấu trúc dây chuyền để sản xuất loại thiết bị này. Tuy nhiên, CNN dẫn lời các chuyên gia y tế khẳng định chuyển đổi từ sản xuất ô tô sang máy thở là điều không hề dễ dàng. Máy thở là thiết bị phức tạp, sử dụng các phần mềm và phụ tùng hiện đại, chuyên biệt. Những "đại gia" trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ muốn sản xuất máy thở sẽ đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm bản quyền sở hữu trí tuệ, việc thiếu chuyên viên vận hành máy và các vấn đề về an toàn. Máy thở của các công ty ô tô cũng cần được nhà chức trách Mỹ thông qua sử dụng. Để giải quyết những khó khăn trong quy trình sản xuất, các hãng sản xuất ô tô Mỹ đã lựa chọn cách hợp tác với một số nhà sản xuất máy thở truyền thống. General Motors và đối tác là hãng sản xuất máy trợ thở Ventec Life Systems xác nhận sẽ triển khai 1.000 công nhân làm việc tại nhà máy ở bang Indiana (Mỹ) và sẽ xuất xưởng sản phẩm trong tháng tới. Họ đặt mục tiêu tạo ra hơn 10.000 máy mỗi tháng và sẽ nâng dần công suất. Trong khi đó, hãng xe ô tô Ford cũng thông báo đang hợp tác với tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực y tế GE Healthcare để đẩy nhanh việc sản xuất máy trợ thở.

Các chuyên gia nhận định nỗ lực cung cấp đủ máy thở rất quan trọng vì thiếu thiết bị này, mạng sống của bệnh nhân nặng sẽ lâm nguy. Giáo sư David Story thuộc Đại học Melbourne (Australia) nhận định: “Lý do xảy ra cuộc khủng hoảng máy thở vì không có máy thở, bệnh nhân sẽ chết”.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/my-tang-toc-san-xuat-may-tho-613819