Mỹ tạo cớ, rút quân khỏi Hàn Quốc?

Với yêu cầu Hàn Quốc tăng gấp 5 lần chi phí cho các hoạt động của lực lượng Mỹ đang đóng quân tại nước này, có vẻ như Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn tạo ra một cái cớ để đưa quân về nước.

Với yêu cầu Hàn Quốc tăng gấp 5 lần chi phí cho các hoạt động của lực lượng Mỹ đang đóng quân tại nước này, có vẻ như Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn tạo ra một cái cớ để đưa quân về nước.

Binh sĩ Hàn Quốc tại Khu phi quân sự. Ảnh: AFP

Binh sĩ Hàn Quốc tại Khu phi quân sự. Ảnh: AFP

Trong một số bức ảnh gần đây được chụp tại Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cười rạng rỡ, trong khi người đồng cấp Hàn Quốc, Jeong Kyeong-doo, trông rất choáng váng, nếu không nói là bị sốc. Dĩ nhiên, những bức ảnh không thể nói lên được điều gì, nhưng những diễn biến đang diễn ra cho thấy Hàn Quốc đang phải đối mặt với những yêu cầu chưa từng có từ đối tác liên minh Mỹ. Ông Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley đều có mặt ở Seoul trong tuần này để đàm phán nhằm đạt được hai mục tiêu chính.

Đầu tiên, Washington đang gây áp lực buộc Seoul đảo ngược quyết định kết thúc hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo. Hàn Quốc, vốn đã tham gia vào trận chiến kéo dài và bầm dập với Nhật Bản trên các mặt trận lịch sử, ngoại giao và thương mại, hồi tháng 9 đã mở rộng cuộc chiến vào lĩnh vực an ninh bằng cách tuyên bố sẽ không gia hạn hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo, sẽ hết hạn vào ngày 23-11 tới. Điều đó khiến Mỹ, đang theo đuổi một mặt trận ba bên thống nhất gồm Seoul, Tokyo và Washington để đối đầu với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga ở Đông Bắc Á, khó chịu. Tuy nhiên, gật đầu trước Washington và thực hiện một bước ngoặt về vấn đề này sẽ là một sự sỉ nhục đối với chính quyền Tổng thống Moon Jae-in.

Thứ hai, trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp hôm 15-11, ông Esper cho rằng, Seoul là một quốc gia giàu có và nên trả thêm chi phí cho các hoạt động của Lực lượng Mỹ Hàn Quốc (USFK), gồm 28.500 người mà Mỹ đang triển khai tại Hàn Quốc.

Thương mại hóa lực lượng Mỹ

Trong nhiều năm qua, ông Trump đã nổi giận về việc các đồng minh không chi đủ cho lĩnh vực quốc phòng của họ. Trong nhiều tháng qua, các báo cáo chưa được xác nhận cho thấy Washington muốn tìm kiếm khoản chi 5 tỷ USD chia sẻ chi phí từ Seoul. Giờ đây, Washington đã chính thức xác nhận điều này. Một trợ lý quốc hội kiêm quan chức chính quyền cho biết ông Trump muốn Hàn Quốc trả 4,7 tỷ USD cho chi phí của USFK vào năm 2020. Năm ngoái, Hàn Quốc đã đồng ý trả chưa tới 1 tỷ USD.

Theo báo cáo, nhiều quan chức Lầu Năm Góc cũng như nhiều nghị sĩ Quốc hội cảm thấy không hài lòng với yêu cầu này của ông trump. Trong khi đó, Hàn Quốc tự hỏi liệu lực lượng Mỹ hiện có phải là “lính đánh thuê” hay không. Seoul cung cấp cho Washington những lợi ích an ninh đáng kể. Đây là tiền tuyến của tuyến phòng thủ Mỹ- Thái Bình Dương kéo dài qua Nhật Bản, đảo Guam và Hawaii đến lục địa Mỹ. Seoul cũng cung cấp cho Washington nền tảng để giám sát các động thái của Triều Tiên, Trung Quốc và Nga trong khu vực. Và việc Seoul đồng ý cho Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất Hàn Quốc đã gây ra hậu quả đắt giá: Trung Quốc tức giận trả đũa Seoul bằng các biện pháp kinh tế.

USFK, gồm một sư đoàn bộ binh cơ giới, một lữ đoàn pháo binh và nhiều tài sản máy bay, trực thăng và máy bay không người lái, đóng vai trò là một căn cứ. Được hỗ trợ bởi các căn cứ ở Nhật Bản, USFK cung cấp cơ sở hạ tầng để phối hợp và triển khai các tài sản chiến đấu khổng lồ của Mỹ nhằm chống lại một cuộc tấn công của Triều Tiên trong tương lai. USFK cũng điều phối các tài sản khác của Mỹ ở Châu Á hoặc toàn cầu.

Cần một lời giải thích rõ ràng

“Ngay bây giờ, mọi thứ rất không rõ ràng”, ông Chun In-bum, một tướng Hàn Quốc đã nghỉ hưu, cho biết. Trước đây, chia sẻ chi phí không bao gồm khoản tiền lương và sinh hoạt phí. Đó là bởi vì quân đội Mỹ sẽ phải trả những khoản đó ở bất cứ khi nào họ đóng quân. Mặc dù vậy, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, gánh nặng chi phí đã được phân đôi. “Ở thời chính quyền trước đó, Mỹ thừa nhận Hàn Quốc đang chia sẻ 50% chi phí đóng quân”, ông Chun nói thêm.

Tuy nhiên, Tổng tư lệnh USFK Robert Abrams, trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi trong tuần này, thẳng thừng nói về sự không hài lòng của ông đối với các thỏa thuận hiện có. Ông nhắm đến các khoản thanh toán cho công nhân của Hàn Quốc và các Cty phục vụ USFK. Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên. Cũng như cuộc đối đầu đang diễn ra với Triều Tiên, nước này phải đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy, trong khi quan hệ với Nhật Bản đang rất thảm khốc. Seoul không có liên minh quân sự với bất kỳ cường quốc nào ngoài Washington - siêu cường toàn cầu duy nhất. Điều đó đặt ra câu hỏi là liệu Seoul có nên đóng góp chi phí cho Mỹ hay không. Với Triều Tiên là quốc gia có vũ khí hạt nhân, Hàn Quốc đang được bảo vệ dưới chiếc ô hạt nhân của Mỹ. Tuy nhiên, không ai ngoài giới quốc phòng biết được lý do căn bản cho mức giá 5 tỷ USD mà Mỹ đưa ra, nếu con số đó thực sự chính xác. “Nếu 5 tỷ USD là đề xuất, vấn đề thực sự là người Hàn Quốc chúng tôi không được biết lý do cho sự gia tăng mạnh mẽ này. Tôi nghĩ ông Trump nợ chúng tôi một lời giải thích rõ ràng”, ông Chun nói.

Đưa quân về nước?

Một thành viên của USFK đã tự hỏi liệu việc tăng chi phí có thể là một mưu đồ của ông Trump nhằm chấm dứt USFK hay không. Bằng cách đưa cho Seoul một cái giá mà họ không thể chi trả, ông Trump có thể sử dụng lời từ chối làm lý do để rút quân khỏi Hàn Quốc.

Daniel Pinkston, một chuyên gia về an ninh và quan hệ quốc tế tại Đại học Troy cho rằng mức giá này là quá lố bịch. “Đây là thách thức của cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4 tới. Bất kỳ quyết định nào được đưa ra đều phải được phê chuẩn, và bất cứ ai tranh cử vào một vị trí nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho 5 tỷ USD cho USFK, điều đó sẽ không xảy ra. Tôi nghĩ rằng con số đó không thể được chấp nhận về mặt chính trị”, ông Pinkston cho biết. Một cuộc rút quân của Mỹ khỏi Hàn Quốc cũng có thể thống nhất với quan điểm của ông Trump, người có xu hướng chống lại sự triển khai của quân đội Mỹ. Theo một số người việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc sẽ không dẫn đến sự xâm lược từ Triều Tiên. Một quan chức Mỹ cho rằng ngay cả khi USFK bị giảm xuống thành một sư đoàn, thì nó vẫn giữ vững giá trị răn đe bởi một khi binh sĩ Mỹ bị giết trong cuộc tấn công đầu tiên của Triều Tiên, Mỹ sẽ phải can thiệp ngay lập tức.

Và ngay cả khi toàn bộ USFK trở về nước, Seoul và Washington vẫn có thể hợp tác với nhau thông qua Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau năm 1953. Vì vậy, một khi Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, quân đội Mỹ vẫn có thể can thiệp mặc dù không nhanh chóng và hiệu quả như USFK.

Hại nhiều hơn lợi

Tuy nhiên, ý tưởng này bị nhiều người bác bỏ, khi cho rằng việc rút quân là đáng nghi ngờ, từ cả hai quan điểm chiến lược và kinh tế. Theo tướng Chun, USFK rất cần thiết về mặt quân sự bởi vì các lực lượng Mỹ tạo ra sự răn đe - không phải là để chiến thắng một cuộc chiến mà là để ngăn chặn một cuộc chiến. Hơn nữa, nếu Mỹ rút quân, Hàn Quốc buộc phải phát triển vũ khí hạt nhân. “Hàn Quốc có nguồn tài chính và công nghệ và nguồn nhân lực để tự tạo ra vũ khí hạt nhân”, ông Pinkston nói, nhưng sẽ mất khoảng 2 năm để đưa vũ khí đi vào hoạt động. Nếu chương trình đang được tiến hành và Mỹ đã rời khỏi đây, dĩ nhiên Triều Tiên có động lực mạnh mẽ để tấn công và phá hủy chương trình đó”, ông Pinkston nói.

Về mặt kinh tế, nếu Mỹ tái bố trí các lực lượng trở lại Hàn Quốc sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc duy trì căn cứ ở đó. “Dù sao bạn cũng phải trả lương cho họ, phải không? Ở Hàn Quốc, người Hàn Quốc đã trả tiền điện, đất, xử lý nước thải, tiền lương dân sự cho căn cứ nên Mỹ”, ông Pinkston nói nói.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_216119_my-tao-co-rut-quan-khoi-han-quoc-.aspx