Mỹ thêm 'đòn' hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip tiên tiến
Theo một tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ hôm 18/10, những điều chỉnh này 'là cần thiết để duy trì tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát này, khắc phục các lỗ hổng và đảm bảo chúng vẫn bền vững'.
Hôm 18/10, Mỹ đã ban hành các quy định mới nhằm hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các chip và công cụ sản xuất chip tiên tiến. Động thái mới nhất trong loạt biện pháp hạn chế những tiến bộ công nghệ và quân sự của Trung Quốc.
Cụ thể, các quy định mới sẽ củng cố việc kiểm soát xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc mà chính quyền công bố vào tháng 10 năm ngoái. Theo một tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ hôm 18/10, những điều chỉnh này “là cần thiết để duy trì tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát này, khắc phục các lỗ hổng và đảm bảo chúng vẫn bền vững”.
Động thái mới nhất diễn ra chỉ vài tuần trước thềm hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC ở San Francisco, nơi các quan chức của cả hai bên đang cố gắng đặt nền móng cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Gói kiểm soát cập nhật thay đổi các quy tắc từ tháng 10 năm ngoái để áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn bổ sung và mở rộng các yêu cầu cấp phép đối với thiết bị sản xuất chip áp dụng cho Trung Quốc, cũng như 21 quốc gia khác mà Mỹ duy trì quyền kiểm soát cấm vận vũ khí.
Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra các cảnh báo “cờ đỏ” và nâng cao các yêu cầu thẩm định để đánh giá việc các thực thể nước ngoài có đang cố gắng trốn tránh các biện pháp kiểm soát hay không. Các công ty giờ đây sẽ phải hoạt động theo “giả định mặc định là bị từ chối cấp phép”.
Các quy định mới dường như có tác động đáng kể đến công ty Nvidia của Mỹ, do sự thay đổi về thông số chip nhằm ảnh hưởng đến số lượng chip lớn hơn. Nhà sản xuất chip AI đã bị hạn chế bán các bộ xử lý đồ họa A100 và H100 cao cấp nhất của mình cho Trung Quốc sau lệnh hạn chế tháng 10.
Để đáp lại điều đó, gã khổng lồ chip đã chuyển sang sản xuất một phiên bản chip AI cho thị trường Trung Quốc có tên là A800, giảm xuống dưới ngưỡng hiệu suất do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra.
Theo một quan chức chính quyền cấp cao, các quy tắc được ban hành hôm 18/10 đã loại bỏ giới hạn tốc độ liên lạc và tập trung vào hiệu suất máy tính, điều này sẽ có tác dụng ngăn chặn việc bán chip A800 và H800 của Nvidia cho thị trường Trung Quốc.
Trong một tuyên bố, Nvidia cho biết họ không lường trước được tác động tài chính đáng kể trong ngắn hạn từ những hạn chế mới, khẳng định tuân thủ tất cả các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cho biết “các biện pháp kiểm soát đơn phương, quá rộng có nguy cơ gây tổn hại cho hệ sinh thái bán dẫn của Mỹ mà không thúc đẩy an ninh quốc gia vì chúng khuyến khích khách hàng nước ngoài tìm kiếm nơi khác”.
Cùng ngày, BIS đã bổ sung hai công ty có trụ sở tại Trung Quốc là Biren Technology và Moore Threads vào danh sách các đơn vị bị cấm xuất khẩu.
Bước đột phá mới nhất của Huawei Technologies đối với bộ xử lý 7 nanomet tiên tiến dành cho điện thoại mới ra mắt vào tháng 8 đã làm dấy lên mối lo ngại ở Washington về tính hiệu quả của các hạn chế công nghệ chip của Mỹ.
Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ, các biện pháp kiểm soát mới nhằm đối đầu với những nỗ lực của Trung Quốc tiếp cận thiết bị sản xuất chip cần thiết để sản xuất các mạch tích hợp tiên tiến cho thế hệ hệ thống vũ khí tiên tiến thế hệ mới.
Đồng thời cũng nhằm mục đích cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong tiếp cận chất bán dẫn điện toán tiên tiến cao cấp cần thiết để cho phép phát triển và sản xuất các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng trong các ứng dụng quân sự.
Các sản phẩm AI tiên tiến tiềm năng – được hỗ trợ bởi siêu máy tính, được xây dựng trên chất bán dẫn tiên tiến – đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ vì chúng có thể được sử dụng để cải thiện tốc độ và độ chính xác của việc ra quyết định, lập kế hoạch và hậu cần quân sự. Cũng như ứng dụng cho chiến tranh điện tử bao gồm radar, tín hiệu tình báo và gây nhiễu.
Trong số các biện pháp trước đó, ông Biden hồi tháng 8 đã ký một lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư mới của Mỹ vào các ngành công nghệ quan trọng của Trung Quốc bao gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng bộ quy tắc mới có thể là động lực khuyến khích các công ty Trung Quốc đổi mới.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/my-them-don-han-che-trung-quoc-tiep-can-chip-tien-tien.html