Mỹ thêm đòn nhằm vào Moscow, Tổng thư ký LHQ gửi thư nói gì với hai nhà lãnh đạo Nga, Ukraine?
Bộ Tài chính Mỹ thông báo bổ sung 40 thực thể và 29 cá nhân của Nga vào danh sách trừng phạt của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC), trong khi Tổng thư ký Liên hợp quốc có lời đề nghị với Moscow và Kiev.
Ngày 20/4, Bộ Tài chính Mỹ cho hay, các lệnh trừng phạt mới nhằm vào những cá nhân, bao gồm cả người đứng đầu Ngân hàng trung ương Nga Kseniya Yudayeva và lãnh đạo của ngân hàng Otkritie FC Mikhail Zadornov.
Trước đó, giới chức Mỹ cũng cảnh báo sẽ không ngần ngại gia tăng trừng phạt Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine.
Theo giới chức Mỹ, các biện pháp của Mỹ cùng với sự phối hợp của các đồng minh châu Âu và phương Tây là một phần của nỗ lực buộc Nga từ bỏ chiến dịch này.
Hồi đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo lệnh trừng phạt đối với một trong những công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới là Alrosa thuộc sở hữu nhà nước Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa công ty United Shipbuilding Corporation thuộc sở hữu nhà nước Nga cũng như các công ty con của doanh nghiệp này vào danh sách "đen".
Ngoài ra, nhà chức trách Mỹ đã thực hiện các biện pháp "phong tỏa toàn diện" đối với các tổ chức tài chính công và tư nhân lớn nhất của Nga, trong đó có Sberbank và Alfa Bank, đồng thời tuyên bố cấm mọi khoản đầu tư mới của Mỹ vào Nga.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric thông báo, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã gửi thư đề nghị gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô hai quốc gia này.
Với đề xuất này, người đứng đầu LHQ hy vọng có thể làm trung gian thúc đẩy đối thoại nhằm tiến tới chấm dứt cuộc chiến giữa Nga-Ukraine.
Kể từ khi cuộc chiến này nổ ra ngày 24/2 vừa qua, ông Guterres chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với hai lãnh đạo cao nhất của Nga và Ukraine.
Theo người phát ngôn của LHQ, ông Guterres mới chỉ trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Zelensky một lần vào ngày 26/3 và chưa liên lạc gì với Tổng thống Putin bởi người đứng đầu LHQ cho rằng, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã vi phạm Hiến chương LHQ.
Những nỗ lực của LHQ nhằm chấm dứt cuộc chiến Ukraine tới nay chưa đạt được kết quả gì rõ rệt một phần bởi sự bất đồng giữa các Ủy viên Thường trực HĐBA gồm 5 nước Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc.
Trung Quốc giữ quan điểm không lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và coi Moscow là nạn nhân của những "chiêu trò" do phương Tây bày ra nhằm làm suy yếu Nga.
(theo Reuters)