Đài Sơn là công ty liên doanh giữa Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) với Công ty năng lượng Pháp EDF. Hiện EDF đang điều tra một vấn đề tiềm ẩn liên quan đến việc tích tụ khí trơ tại nhà máy hạt nhân của họ ở tỉnh Quảng Đông.
Mới đây, CNN đưa tin, nhà chức trách Mỹ trong tuần qua đã đánh giá báo cáo của Framatome, đơn vị thiết kế và vẫn đang vận hành nhà máy, về hiện tượng “rò rỉ” tại nhà máy Đài Sơn
Framatome còn cáo buộc rằng mức giới hạn bức xạ đang được tính toán nâng lên để tránh phải đóng cửa nhà máy này.
Lò phản ứng ở Đài Sơn được Framatome cùng với Siemens của Đức thiết kế. Năm 2007, EDF đã quyết định đầu tư vào nhà máy tại Đài Sơn, do CGN sở hữu 70%. Công trình được khởi công năm 2010 và đi vào vận hành năm 2018
EDF, có cổ phần thấp hơn trong liên doanh, cho biết sự tích tụ của krypton và xenon - cả hai đều là khí trơ - đã ảnh hưởng đến mạch chính của Tổ máy 1 Đài Sơn và đó là một “hiện tượng đã biết, được nghiên cứu và cung cấp cho các quy trình vận hành lò phản ứng”
Theo dữ liệu thời gian thực của Cục An toàn Hạt nhân Trung Quốc (CNSA), mức độ bức xạ ở khu vực lân cận vẫn bình thường vào hôm 14-6.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cùng ngày khẳng định: Bắc Kinh rất chú ý đến các vấn đề an toàn hạt nhân và có một hệ thống giám sát và quản lý an toàn hạt nhân phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và đặc thù của từng quốc gia.
Nhưng tại sao chính quyền Mỹ lại quan tâm đến việc này? CGN, công ty nhà nước về hạt nhân lớn nhất Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” vào tháng 8-2019 cấm mua công nghệ và vật liệu tiên tiến của Mỹ vì lo ngại có thể chuyển hướng sang mục đích quân sự ở Trung Quốc.
Điều đó có nghĩa là Framatome, có hoạt động tại Mỹ, sẽ cần chính phủ Mỹ cấp quyền miễn trừ để họ giúp CGN khắc phục các vấn đề công nghệ.
Đáng nói, các trục trặc liên quan đến an toàn xảy ra khá thường xuyên tại nhà máy Đài Sơn. Vào tháng 3-2021, các thanh tra viên đang kiểm tra một vôn kế bị lỗi trong Tổ máy 1 thì vô tình gây ra sự cố điện dẫn đến việc tắt máy tự động.
Vào tháng 4-2021, một vụ nổ khí phóng xạ bất ngờ tại một đường ống thuộc hệ thống xử lý khí thải của Tổ máy số 1 ngay khi các công nhân đang cố gắng niêm phong, cũng kích hoạt báo động
Nhà máy Đài Sơn sử dụng “Lò phản ứng điều áp châu Âu”, gọi tắt là ERP, được ví như công nghệ hạt nhân “thế hệ thứ ba” bao gồm các tính năng an toàn nâng cao cũng như công suất phát điện lớn hơn.
Những sự cố mà Đài Sơn gặp phải không phải là hiếm hoặc không đáng quá lo ngại. Tại Mỹ cũng đã có hơn 2% tổ hợp nhiên liệu hạt nhân gặp sự cố tương tự trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến 2006.
Các vấn đề hiện tại của dự án Đài Sơn không có khả năng làm giảm tham vọng hạt nhân của Trung Quốc, nhưng chúng là lời cảnh báo về những thách thức mà các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt trong thị trường ngày càng bị chi phối bởi các công ty trong nước.
Trung Quốc có 47 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất phát điện là 48,75 triệu kilowatt - cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Pháp - và đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Nhưng Bắc Kinh đã không đạt được mục tiêu năng lực hạt nhân năm 2020. Nhiều người phàn nàn rằng việc mở rộng lĩnh vực này đã bị chậm lại không chỉ bởi thảm họa Fukushima năm 2011, mà còn bởi sự chậm trễ kéo dài và chi phí tăng cao tại các dự án do nước ngoài thiết kế.
Hải Yến