Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí đối thoại, tháo ngòi nổ căng thẳng

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Trump hôm 6/10 có cuộc điện đàm, với việc nhất trí có cuộc gặp tại Washington vào tháng tới

Đây được cho là nỗ lực tháo ngòi nổ căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ thực hiện chiến dịch quân sự đơn phương tại Đông Bắc Syria chỉ trong vài ngày tới.

Ông Trump (bìa trái) và ông Trump. Ảnh: Plo.

Ông Trump (bìa trái) và ông Trump. Ảnh: Plo.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về việc thiết lập khu vực an toàn tại phía bắc Syria trong cuộc điện đàm. Tổng thống Erdogan bày tỏ thất vọng về việc Mỹ không tuân thủ việc thực hiện thỏa thuận đã nhất trí giữa hai bên vào tháng 8 vừa qua để thiết lập một khu vực đệm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định, khu vực an toàn sẽ là điều kiện cần thiết cho người tị nạn Syria trở về quê hương. Tổng thống Erdogan cũng chấp nhận lời mời của Tổng thống Trump tới thăm Mỹ vào tháng tới để thảo luận những vấn đề còn tồn tại giữa hai bên.

Cuộc điện đàm nhằm hạ nhiệt căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ thực hiện chiến dịch đơn phương tại Đông Bắc Syria. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo có các hoạt động quân sự tăng cường tại khu vực biên giới với Syria.

Với tuyên bố thực hiện chiến dịch đơn phương tại phía bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng biện pháp mạnh mẽ nhất để gia tăng sức ép lên đồng minh Mỹ. Việc Mỹ chậm chạp trong việc thực hiện Thỏa thuận đạt được vào tháng 8 vừa qua về việc thiết lập vùng an toàn và tiếp tục ủng hộ Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG)- vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào tổ chức khủng bố, khiến nước này mất kiên nhẫn. Hành động quân sự đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria chắc chắn sẽ tác động lớn đến mối quan hệ với đồng minh Mỹ, cũng như có khả năng gây bất ổn cho khu vực đang trong thời kỳ nhạy cảm.

Mặc dù vậy, cái giá của việc Thổ Nhĩ Kỳ khoanh tay đứng nhìn và chấp nhận qui chế hiện nay sẽ nghiêm trọng hơn việc nước này thực hiện một chiến dịch vào phía bắc Syria. Đây có thể là một chiến dịch tốn kém, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ được nhận định có nhiều khả năng thành công về mặt quân sự. Một số lực lượng đối lập Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cam kết sẽ ủng hộ chiến dịch của nước này tại Syria.

Một thành viên của lực lượng đối lập Syria cho biết: “Đây là vùng đất và lãnh thổ của người dân Syria. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ vùng đất cho người dân Syria. Những người anh em Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ chúng tôi trong cuộc chiến này, do đó chúng tôi cũng sẽ sát cánh tới cùng với họ trong cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực”.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hiểu rõ lợi thế của mình trong kế hoạch buộc Mỹ phải lựa chọn giữa nước này và YPG trong bối cảnh Mỹ không có nhiều lựa chọn linh hoạt. Khu vực đang trải qua giai đoạn nhạy cảm với biểu tình xảy ra ở Iraq, Iran gia tăng áp lực lên các quốc gia Arab Vùng Vịnh khác, nguy cơ Saudi Arabia thất bại trong cuộc chiến ở Yemen…

Với sức mạnh quân sự và khả năng ổn định các khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc Mỹ phải nhìn nhận đây là một đối tác quan trọng không thể thiếu đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực. Cuộc điện đàm làm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo hôm 6/10, mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới là một nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới quan sát cũng nhận định, căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria vẫn có thể tránh được, với việc Mỹ buộc Lực lượng Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd di chuyển khỏi khu vực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, kế hoạch tái thiết của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực sẽ giúp ổn định dần dần miền bắc Syria, ngăn chặn căng thẳng dài hạn giữa YPG và các nhóm sắc tộc, bộ lạc địa phương khác ở miền đông Syria./.

Phạm Hà/VOV1 (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-tho-nhi-ky-nhat-tri-doi-thoai-thao-ngoi-no-cang-thang-964225.vov