Mỹ thông qua luật người Duy Ngô Nhĩ, gây sức ép với Trung Quốc
Hạ Viện Mỹ hôm thứ Tư (27/5) đã bỏ phiếu thông qua luật người Duy Ngô Nhĩ, và chỉ còn chờ chữ ký của Tổng thống Trump để mở đường cho các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc.
Các sĩ quan cảnh sát đeo khẩu trang bảo vệ Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 14/5/2020 - Ảnh: Reuters
Với sự đồng thuật cao khi có 413 phiếu ủng hộ, 1 phiếu chống, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật bằng sự nhất trí, gây áp lực lên Tổng thống Trump để áp đặt các lệnh trừng phạt nhân quyền đối với Trung Quốc.
“Hôm nay, với sự ủng hộ áp đảo của lưỡng viện, Quốc hội Hoa Kỳ đang có một bước đi vững chắc để chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền khủng khiếp của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ”, Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, bà Nancy Pelosi nói trong một tuyên bố.
Mặc dù các thành viên của đảng Cộng Hòa của Tổng thống Donald Trump trong Quốc hội cho biết dự kiến sẽ ký dự luật, nhưng Nhà Trắng vẫn không khẳng định liệu ông có làm như vậy. Các trợ lý đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Theo các nguồn tin, dự luật người Duy Ngô Nhĩ kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại những người chịu trách nhiệm đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở tỉnh Tân Cương, nơi Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn một triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại.
Dự luật người Duy Ngô Nhĩ cũng kêu gọi các công ty hoặc cá nhân Hoa Kỳ hoạt động ở khu vực Tân Cương thực hiện các bước để đảm bảo sản phẩm của họ không bao gồm các bộ phận sử dụng lao động cưỡng bức.
Gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên đặc biệt căng thẳng khi Tổng thống Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh làm tình hình xấu đi bởi đại dịch Covid-19.
Hàng loạt những chính sách đã được Mỹ đưa ra trong vài tuần qua nhằm gây sức ép tối đa lên Trung Quốc, trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bác bỏ các cáo buộc và cũng tuyên bố sẽ có những hành động đáp trả tương xứng.
Với những chỉ trích về người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc phủ nhận ngược đãi và nói rằng đó là các cơ sở đào tạo nghề.
Ở một diễn biến khác, trong ngày hôm nay dự kiến Quốc hội Trung Quốc sẽ bỏ phiếu thông qua luật an ninh quốc gia mới, quy định cấm Hong Kong ly khai, bạo động lật đổ chính quyền, khủng bố và bất cứ hình thức can thiệp nước ngoài nào vào hòn đảo này.
Cuối ngày hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố trên Twitter về tình trạng “không còn tự trị” của Hong Kong và điều này có nghĩa Đặc Khu này có thể đối mặt với nguy cơ bị tước các đặc quyền kinh tế của Mỹ và đe dọa vị trí trung tâm tài chính thế giới.