Mỹ thu hồi giấy phép xuất khẩu chip nhằm 'triệt hạ' Huawei
Chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa thu hồi giấy phép xuất khẩu cho phép Intel và Qualcomm cung cấp linh kiện bán dẫn cho Huawei...
Động thái này được xem là nhằm gia tăng áp lực đối với công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc và cản bước tiến công nghệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo tiết lộ của nguồn tin thân cận với tờ Financial Times, việc Bộ Thương mại Mỹ thu hồi giấy thép nói trên sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung con chip cho các sản phẩm máy tính laptop và điện thoại di động của Huawei. Bộ Thương mại Mỹ đã lên tiếng xác nhận với tờ báo này rằng đã “thu hồi một số giấy phép xuất khẩu nhất định về bán hàng cho Huawei”, nhưng không nói đó là giấy phép cấp cho những công ty Mỹ nào.
“Chúng tôi tiếp tục đánh giá các biện pháp kiểm soát của chúng tôi có thể bảo vệ một cách tốt nhất lợi ích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ như thế nào, xét đến môi trường nguy cơ và không gian công nghệ liên tục thay đổi. Một phần của quy trình này, như chúng tôi đã từng làm trước đây, là đôi khi chúng tôi thực hiện việc thu hồi giấy phép xuất khẩu”, một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ nói.
Một nguồn thạo tin cho biết Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo đến các công ty bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi giấy phép, nhưng không nói cụ thể hơn.
Trước động thái trên, Washington từ lâu đã có những hạn chế cứng rắn đối với việc bán công nghệ Mỹ cho Huawei. Tuy nhiên, các nghị sỹ Đảng Cộng hòa đã kêu gọi ông Biden cứng rắn hơn nữa đối với công ty đại diện cho tham vọng công nghệ Trung Quốc. Giới quan chức an ninh quốc gia Mỹ cho là Huawei giữ vai trò quan trọng giúp Bắc Kinh tham gia vào hoạt động gián điệp mạng trên toàn thế giới - cáo buộc mà Huawei phủ nhận.
Bà Meghan Harris, chuyên gia về kiểm soát xuất khẩu tại công ty tư vấn Beacon Global Strategies, nhận định về động thái mới nhất của Mỹ: “Đây là một hành động quan trọng cho thấy Chính phủ Mỹ đang tiếp cận và hoàn toàn không lùi bước trước những gì mà họ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia từ công nghệ Trung Quốc”.
“Trong lúc ngành công nghệ và các đối tác nước ngoài đang chờ xem liệu Mỹ giảm bớt sự cứng rắn trong lập trường của mình hay không, đây là một dấu hiệu rõ ràng rằng điều đó sẽ không xảy ra. Có thể nói rằng chính quyền tiếp theo của Mỹ sau cuộc bầu cử năm nay cũng sẽ tiếp tục đi theo hướng đó”, bà Harris nói.
Động thái này của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Washington lo ngại về khả năng phát triển con chip tiên tiến của Huawei bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng đã được Mỹ đưa ra vào năm 2022. Vào đúng dịp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đến thăm Trung Quốc vào năm ngoái, Huawei đã trình làng chiếc điện thoại thông minh Mate 60 Pro, sản phẩm được trang bị một con chip tiên tiến khiến giới chuyên gia sửng sốt.
Ông Marco Rubio, Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện của đảng Cộng hòa và bà Elise Stefanik, nhân vật cấp cao thứ tư của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, vào tháng trước đã kêu gọi bà Raimondo thu hồi giấy phép cho việc bán hàng cho Huawei. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi có thông tin tập đoàn có trụ sở tại Thâm Quyến đã chế tạo các sản phẩm laptop bằng chip từ Intel.
“Có thể thấy rõ từ những xu hướng này là Huawei, một công ty nằm trong danh sách đen từng gặp khó khăn chỉ vài năm trước, đang trở lại” - ông Rubio và bà Stefanik viết trong thư.
Sau khi bức thư được công bố, Intel cho biết hãng “tuân thủ nghiêm ngặt tất cả luật pháp và quy định tại các quốc gia nơi chúng tôi kinh doanh”. Máy tính xách tay MateBook X Pro của Huawei ra mắt vào tháng trước sử dụng chip Core Ultra 9 của Intel. Hiện Intel chưa đưa ra bình luận gì về động thái của Bộ Thương mại Mỹ.
Nghị sỹ Cộng hòa Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hạ viện, đã nhiều lần kêu gọi Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đưa ra lập trường cứng rắn hơn đối với Huawei. Trong một lá thư năm ngoái, ông bày tỏ mối lo ngại rằng tập đoàn Trung Quốc “vẫn có thể mua một lượng lớn công nghệ Mỹ”.
“Đây là quyết định đúng đắn, nhưng lẽ ra ngay từ đầu, giấy phép không nên được cấp. Chính phủ cần phải chủ động ngăn chặn việc cung cấp các công nghệ quan trọng cho các công ty Trung Quốc, chứ không chỉ phản ứng sau khi có lời kêu gọi từ các nhà lập pháp thực sự coi trọng mối đe dọa”, ông Rubio nói với Financial Times.
Tháng trước, tờ báo này đưa tin Mỹ đang hối thúc các đồng minh ở châu Âu và châu Á thắt chặt hạn chế xuất khẩu công nghệ liên quan đến chip sang Trung Quốc vì mối lo ngại ngày càng tăng về Huawei.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/my-thu-hoi-giay-phep-xuat-khau-chip-nham-triet-ha-huawei.htm