Mỹ thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn liệu pháp kháng thể đơn dòng

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 5/1, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) thông báo nước này đã bắt đầu một cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn nhằm đánh giá độ an toàn và hiệu quả của liệu pháp kháng thể đơn dòng (liệu pháp miễn dịch thụ động) ở những người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thể nhẹ hoặc vừa.

Hai kháng thể đang được nghiên cứu gồm BRII-196 và BRII-198 do công ty Brii Biosciences sản xuất nhằm vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Các kháng thể là những protein kháng nguyên sinh ra tự nhiên từ hệ miễn dịch của cơ thể giúp ngăn chặn các virus xâm nhập vào các tế bào.

Tham gia cuộc thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 sẽ có tổng cộng 220 bệnh nhân COVID-19 ở thể nhẹ hoặc vừa, những người có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Trong đó, 50% số bệnh nhân sẽ được truyền BRII-196 và BRII-198 qua tĩnh mạch và 50% số người còn lại sẽ được truyền giả dược.

Các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm được phân ngẫu nhiên vào một trong số các nhóm điều trị. Trong cuộc thử nghiệm này, cả tình nguyện viên lẫn điều tra viên sẽ không biết ai đang dùng kháng nguyên. Sau đó, các chuyên gia y tế sẽ theo dõi tình trạng của người bệnh trong 72 tuần.

Một Ban Giám sát An toàn và Dữ liệu độc lập giám sát cuộc thử nghiệm trên sẽ rà soát dữ liệu thu thập được sau 28 ngày để đánh giá xem liệu pháp trên có an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh COVID-19 hay không. Nếu liệu pháp này không gây ra nhiều mối lo ngại nghiêm trọng và kết quả thử nghiệm hứa hẹn, các nhà khoa học sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 với sự tham gia của thêm 622 bệnh nhân ngoại trú.

Liên quan đến dịch COVID-19 tại Mỹ, bệnh viện Kaiser Permanente ở San Jose, bang California đã mở cuộc điều tra khả năng bộ trang phục hình cây thông Noel bằng hơi thổi phồng mà một nhân viên khu điều trị khẩn cấp đã mặc trong ngày Giáng sinh liệu có làm bùng phát dịch COVID-19, gây ra hàng chục ca nhiễm và một ca tử vong.

Người phát ngôn bệnh viện cho biết ít nhất 44 nhân viên y tế đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trong tuần qua, một người đã tử vong. Bệnh viện đang điều tra có phải chiếc áo phao trên đã thổi ra các hạt dịch nhỏ chứa virus hay không.

Quan chức này khẳng định: "Đây không phải là một hoạt động do bệnh viện tổ chức hay được sự đồng ý của bệnh viện", song cho biết thêm rằng bất cứ nguy cơ phơi nhiễm nếu có đều là hoàn toàn vô tình, nhân viên mặc bộ trang phục trên không hề có triệu chứng nào của bệnh và chỉ tìm cách cải thiện tinh thần cho mọi người xung quanh trong thời điểm dịch bệnh rất nặng nề này.

NBC Bay Area News, hãng tin đầu tiên đưa tin về sự cố trên, cho biết ca tử vong là một nhân viên lễ tân. NBC dẫn lời một nhân viên cho biết việc bùng phát dịch có thể do nhân viên vận chuyển thiết bị trợ thở vào một phòng không được chỉ định cho mục đích này.

Dù các nhân viên y tế đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19, nhưng phải cần 2 tuần sau liều tiêm đầu tiên, cơ thể mới có đủ kháng thể để chiến đấu chống lây nhiễm.

Theo bệnh viện Kaiser Permante, nhân viên được tiêm đầu tiên cách đây gần 10 ngày, vì vậy chưa thể được miễn dịch khi phơi nhiễm với virus. Bệnh viện đã đề nghị nhân viên đi xét nghiệm nhanh chóng, tiến hành làm sạch phòng khẩn cấp và tuân thủ mọi quy định an toàn, bao gồm cả việc không tụ tập trong phòng nghỉ.

Bang California hiện đã tiếp nhận 21.510 ca nhập viện vì COVID-19, nhiều hơn New York thời đỉnh dịch mùa xuân năm ngoái. Trên toàn nước Mỹ, hơn 350.000 người đã tử vong vì dịch và 20,6 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/250866/my-thu-nghiem-lam-sang-quy-mo-lon-lieu-phap-khang-the-don-dong.html