Mỹ thử nghiệm tích hợp trí thông minh nhân tạo trên UAV
Cơ quan nghiên cứu công nghệ Không quân Mỹ (AFRL) cho biết, chương trình tích hợp công nghệ tự hành và trí thông minh nhân tạo (AI) áp dụng trên các phương tiện bay không người lái (UAV) với tên mã Skyborg sẽ bắt đầu được tiến hành ngay trong mùa hè năm 2019.
Trả lời phỏng vấn báo giới, bà Cara Bousie, phát ngôn viên AFRL tiết lộ, các thử nghiệm của chương trình Skyborg sẽ được tiến hành tại căn cứ không quân Edwards, bang California. Trong các thí nghiệm, công nghệ Skyborg sẽ được tích hợp và áp dụng trên các phương tiện bay nhỏ, nhưng có khả năng bay tốc độ cao và linh hoạt.
Mặc dù đại diện AFRL từ chối cung cấp các thông tin chi tiết về chương trình Skyborg, nhưng dự án phát triển công nghệ vũ khí tương lai này đã được Không quân Mỹ âm thầm tiến hành suốt 2 năm qua. Chương trình Skyborg được kỳ vọng sẽ giúp các phương tiện bay quân sự của Mỹ có khả năng hoạt động tự hành tốt hơn, cũng như khả năng thích nghi và phản ứng nhanh chóng với các tình huống chiến đấu thông qua khả năng máy học và dữ liệu lớn.
Trong khi đó, theo thông tin từ Không quân Mỹ công bố hồi đầu năm 2019, 3 mẫu phương tiện bay không người lái sẽ tham gia chương trình thử nghiệm Skyborg là XQ-58A Valkyrie, BQM-167 Skeeter và QF-16. Nếu quá trình thử nghiệm diễn ra thuận lợi, công nghệ Skyborg sẽ được áp dụng chính thức trên nhiều phương tiện chiến đấu của Không quân Mỹ vào năm 2023.
“Skyborg có thể hiểu đơn giản là công nghệ AI với các thuật toán đơn giản để điều khiển phương tiện bay, cũng như thuật toán phức tạp giúp chúng có thể thực hiện nhiệm vụ hoặc một phần nhiệm vụ chiến đấu”, Giám đốc điều hành mảng công nghệ hàng không của AFRL, Matt Duquette cho biết.
Giới chuyên gia quân sự nhận định, Skyborg có thể là công nghệ nền để áp dụng vào hàng loạt chương trình vũ khí tương lai của Không quân Mỹ. Trong số đó, chương trình phát triển công nghệ AI hỗ trợ phi công trong các tình huống không chiến - ACT3 được coi là có liên quan mật thiết tới công nghệ Skyborg. Thậm chí, nếu công nghệ Skyborg khẳng định được sự tin cậy được trong các thử nghiệm, nó có thể đảm nhiệm vai trò “phi công số”, tương tự như công nghệ ePilot Nga đã giới thiệu trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57.