Mỹ thừa nhận sai lầm khi rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nguồn: AFP/TTXVN

Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra ngày 1/11 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bình luận về quyết định trước đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc rút nước này khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tổng thống Biden nói: "Tôi nghĩ mình không nên đưa ra lời xin lỗi nhưng thực sự, tôi phải xin lỗi cho thực tế rằng Mỹ - dưới thời chính quyền trước - đã rời khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Cuộc gặp của chúng ta tại Glasgow hôm nay không phải kết thúc một hành trình. Đây mới chỉ là vạch xuất phát. Chúng ta có các công cụ lẫn tài nguyên. Tôi nghĩ chúng ta cần phải đưa ra những lựa chọn”.

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ không tụt hậu trong cuộc chiến này mà sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt và những cam kết khí hậu không chỉ dừng ở lời nói mà được thể hiện bằng hành động. Ông tin rằng Mỹ có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 50 đến 52% lượng khí phát thải so với năm 2005. Cuối bài phát biểu, Tổng thống Biden cho rằng lịch sự thế giới đang ở thời khắc quan trọng.

Nhắc tới các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng, hạn hán hay lũ lụt, ông nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu đang tàn phá thế giới. Nó không chỉ là giả thuyết, nó đang phá hủy cuộc sống và sinh kế của mọi người. Chúng ta có khả năng đầu tư và xây dựng một tương lai sử dụng năng lượng sạch, quá trình đó sẽ tạo ra hàng triệu việc làm và cơ hội trên thế giới. Mỗi ngày trì hoãn, cái giá vì không hành động sẽ tăng lên. Hãy để đây là thời điểm chúng ta đưa ra câu trả lời cho lịch sử, tại Glasgow này".

Cùng ngày 1/11, Mỹ đã công bố chiến lược nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050, theo đó nước này sẽ cố gắng loại bỏ lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường và gây biến đổi khí hậu.

Báo cáo mới đưa ra một lộ trình chính sách cụ thể hơn để đạt được mục tiêu này, trong đó Cố vấn về vấn đề Khí hậu quốc gia Gina McCarthy cho biết Mỹ sẽ tăng cường các khoản đầu tư nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh, củng cố cấu trúc xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cụ thể, kế hoạch của Tổng thống Biden tập trung vào việc thúc đẩy quá trình tổng hợp điện năng từ các nguồn năng lượng sạch; thúc đẩy việc đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, các tòa nhà công sở, nhà máy sản xuất vận hành bằng điện sạch, cùng với đó là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng sạch và mở rộng quy mô sử dụng công nghệ hấp thu carbon dioxide từ khí quyển.

Báo cáo cũng chỉ ra các chính sách bổ sung hỗ trợ Mỹ đạt được mục tiêu đề ra như khuyến khích và đưa ra các tiêu chuẩn để giảm ô nhiễm nhà máy điện, sử dụng năng lượng hạt nhân và công nghệ thu phát thải khi nhiên liệu hóa thạch được đốt tại các nhà máy điện và đầu tư vào công nghệ pin lưu trữ năng lượng tái tạo.

Để đạt được các mục tiêu bổ sung này, báo cáo đề cập đến các giải pháp như tăng cường áp dụng các hoạt động sản xuất nông nghiệp “thông minh với khí hậu” và giải quyết vấn đề phát thải khí thông qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sản xuất dầu và khí đốt.

Trong khi đó, không tham dự hội nghị COP26, song Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã gửi bài phát biểu tới hội nghị, trong đó kêu gọi tất cả các bên có hành động mạnh mẽ hơn để cùng giải quyết thách thức khí hậu.

Ông cũng kêu gọi các nước phát triển không chỉ cần làm nhiều hơn nữa trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, mà còn hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đạt được nhiều thành tích hơn trong cuộc chiến này.

Về bản thân Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cho biết nước này có chiến lược tăng cường phát triển trong lĩnh vực năng lượng Xanh, quy hoạch xây dựng các trang trại gió quy mô lớn và các dự án quang điện, trong nỗ lực giảm khí phát thải.

Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi ngày 1/11 đã nêu lập trường chính thức của New Delhi về chương trình nghị sự hành động khí hậu, theo đó, nền kinh tế nước này sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070.

Phát biểu tại Hội nghị COP26, ông Modi nói: "Đến năm 2070, Ấn Độ sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0”. Ấn Độ là quốc gia phát thải carbon lớn cuối cùng trên thế giới công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Trung Quốc tuyên bố sẽ đạt được mục tiêu này vào năm 2060 và Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là năm 2050.

Mục tiêu trên là một trong năm cam kết mà Thủ tướng Modi đưa ra tại hội nghị. Các cam kết còn lại bao gồm Ấn Độ sẽ nâng mục tiêu đến năm 2030 đạt công suất lắp đặt "năng lượng không hóa thạch" - chủ yếu là năng lượng mặt trời - từ 450 lên 500 gigawatt; 50% nhu cầu năng lượng của nước này sẽ được đáp ứng nhờ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030; Ấn Độ sẽ giảm tổng lượng phát thải carbon dự kiến một tỉ tấn từ nay đến năm 2030; Đến năm 2030 Ấn Độ sẽ giảm 45% cường độ carbon của nền kinh tế (mục tiêu trước đó là 35%).

Tuy nhiên, ông Modi nhấn mạnh các cam kết cắt giảm khí thải từ Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác sẽ đòi hỏi nguồn tài chính từ các nước phát thải lâu đời và giàu có. Hiện Ấn Độ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ.

Các nhà khoa học cho rằng thế giới phải giảm một nửa lượng phát thải toàn cầu vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) ngày 1/11 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng bộ hóa chính sách chống biến đổi khí hậu giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Phát biểu trong một cuộc họp bên lề hội nghị COP26, Tổng thống Jokowi nói: “Tất cả chúng ta, kể cả các nước phát triển, cần có những bước đi cụ thể hơn trong việc kiểm soát khí hậu, nhất là hỗ trợ kinh phí cho các nước đang phát triển nhằm chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo”. Tổng thống Jokowi bày tỏ hy vọng rằng nguồn tài trợ thích ứng trị giá 100 tỉ USD từ các nước phát triển cần được đáp ứng ngay lập tức nhằm thúc đẩy các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Jokowi cũng cho biết trong những năm gần đây, Indonesia đã có những bước đi cụ thể về mặt kiểm soát khí hậu. Tỉ lệ phá rừng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua và tỉ lệ cháy rừng giảm tới 82%. Indonesia cũng sẽ khôi phục 64.000ha đất ngập mặn - điều rất quan trọng do rừng ngập mặn lưu trữ carbon gấp 3-4 lần so với đất than bùn.

Bày tỏ tin tưởng rằng Indonesia có thể thực hiện cam kết của mình theo Thỏa thuận Paris vào năm 2030, cụ thể là cắt giảm 29% lượng khí thải một cách vô điều kiện, Tổng thống Jokowi cho hay quốc gia này đã thông qua Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và carbon thấp tới năm 2050, cũng như lộ trình chi tiết nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 hoặc sớm hơn.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/266960/my-thua-nhan-sai-lam-khi-rut-khoi-hiep-dinh-paris-ve-bien-doi-khi-hau.html