Mỹ thúc giục Hàn Quốc phối hợp trong các vấn đề Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ở Bình Nhưỡng ngày 19/9/2018 - Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 17/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này và Hàn Quốc sẽ tiếp tục phối hợp để bảo đảm rằng các tiến trình thuộc hợp tác liên Triều luôn “chung nhịp” với quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này luôn ủng hộ quá trình hợp tác và phối hợp liên Triều, cũng như hy vọng quá trình này luôn chung nhịp với tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Khi được hỏi về kế hoạch của chính phủ Hàn Quốc trong việc xúc tiến các hoạt động du lịch cá nhân tại Triều Tiên, người phát ngôn nói trên cho biết Mỹ cùng Hàn Quốc, những nước đồng minh, luôn cam kết cùng phối hợp để đưa ra phản ứng đồng nhất cho vấn đề Triều Tiên.

Dù không đưa ra câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi nhưng người phát ngôn của Mỹ đã nhắc tới việc các quốc gia cần phải thực thi đầy đủ những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên. Theo đánh giá của giới quan sát, bình luận mới nhất từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy Washington vẫn đang dè chừng trước những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm khôi phục các dự án hợp tác liên Triều mà không có sự tham vấn trước với Mỹ.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc ngày 17/1 nhấn mạnh chính sách đối với Triều Tiên nằm trong phạm vi quyền hạn của Hàn Quốc. Tuyên bố này nhằm đáp lại phát biểu trước đó một ngày của đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris, trong đó ông Harris bày tỏ lập trường phản đối phương án hợp tác liên Triều do Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố trong bài phát biểu chúc mừng năm mới vừa qua.

Trả lời báo giới nước ngoài ngày 16/1 liên quan tới kế hoạch cho phép khách lẻ du lịch tới Triều Tiên, đại sứ Harris cho rằng bất kể kế hoạch nào của Hàn Quốc về Triều Tiên đều phải được nhóm công tác Hàn - Mỹ thông qua nhằm tránh hiểu lầm, có thể khiến Mỹ áp đặt cấm vận.

Nhiều ý kiến phân tích phát biểu trên của đại sứ Harry có hàm ý nếu Seoul xúc tiến việc đưa khách lẻ du lịch tới Triều Tiên, Washington có thể sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt. Ngoài ra, đại sứ Harris còn đánh giá suy nghĩ của Tổng thống Moon có phần lạc quan nhằm tạo ra một tia hy vọng nào đó, song Hàn Quốc cần phải thảo luận với Mỹ khi hành động trên thực tế.

Nhiều ý kiến cũng chỉ trích việc đại sứ Harris liên tiếp có những phát biểu tiêu cực về ý tưởng, chính sách của chính phủ và Tổng thống Hàn Quốc là hành động không đúng đắn. Khi được hỏi về kế hoạch của chính phủ Hàn Quốc trong việc xúc tiến các hoạt động du lịch cá nhân tại Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, song nhắc tới việc các quốc gia cần thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm vào Triều Tiên.

Bình luận này cho thấy Washington vẫn đang dè chừng trước những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm khôi phục các dự án hợp tác liên Triều mà không có sự tham vấn trước với Mỹ.

Trong diễn biến khác, Yonhap đưa tin đại sứ Hàn Quốc Jeong Eun-bo tham gia các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng với Mỹ ngày 17/1 cho biết nước này và Mỹ sẽ không thảo luận về khả năng triển khai quân đội Hàn Quốc tới Trung Đông liên quan đến các cuộc đàm phán về vấn đề này.

Ông Jeong đã đưa ra thông báo trên hôm 16/1 khi ông rời Washington sau khi vòng đàm phán thứ sáu kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Phát biểu với các phóng viên tại sân bay quốc tế Dulles của Washington, ông Jeong nêu rõ: "Chúng tôi không thảo luận về việc triển khai quân tới Eo biển Hormuz hay bất cứ điều gì ngoài khuôn khổ Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA). Chúng tôi sẽ không thảo luận bất cứ điều gì ngoài những khía cạnh liên quan đến khoản đóng góp của chúng tôi cho liên minh," đề cập đến thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng của hai nước đồng minh này.

Vị đại sứ Hàn Quốc cho hay để nhận được "đánh giá công bằng" về đóng góp cho liên minh, Hàn Quốc đã nhấn mạnh việc nước này mua vũ khí từ Mỹ. Ông Jeong đã xử lý đồn đoán cho rằng hai bên đang thảo luận về việc triển khai quân đội Hàn Quốc tới eo biển Hormuz, để hỗ trợ các hoạt động an ninh của Mỹ ở đó, nhằm bù đắp một phần yêu cầu của Washington về việc tăng chi phí đóng góp của Seoul cho hoạt động đóng quân của 28.500 lính Mỹ ở bán đảo Triều Tiên.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/234022/my-thuc-giuc-han-quoc-phoi-hop-trong-cac-van-de-trieu-tien.html