Mỹ tiếp tục áp đặt trừng phạt nhằm vào lĩnh vực lọc dầu của Nga
Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ những quy định mới này nhằm vào lĩnh vực lọc dầu của Nga với những biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt và xác định 91 thực thể hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 4/3, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với lĩnh vực lọc dầu của Nga và trừng phạt 91 thực thể tại 10 quốc gia hỗ trợ cho quân đội Nga.
Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ những quy định mới này nhằm vào lĩnh vực lọc dầu của Nga với những biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt và xác định 91 thực thể hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga.
Những hành động này sẽ gia tăng việc hạn chế tiếp cận đối với hàng hóa, phần mềm, công nghệ của Mỹ, như một phần trong những nỗ lực hiện nay của chúng tôi để làm giảm khả năng của Nga trong việc sở hữu những mặt hàng mà Nga cần cho việc kéo dài chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.
Thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ có đoạn: “Những thực thể bị trừng phạt nằm ở Nga, Vương Quốc Anh, Estonia, Tây Ban Nha, Malta, Kazakhstan, Latvia, Belize, Singapore, và Slovakia”, và nhấn mạnh rằng những thực thể này đã hỗ trợ cho các cơ quan an ninh, lĩnh vực quân sự của Nga.
Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đang xem xét các bước để giảm nhập khẩu dầu của Mỹ từ Nga, khi sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội đối với lệnh cấm nhập khẩu ngày càng tăng .
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng Mỹ đang xem xét các lựa chọn có thể thực hiện ngay bây giờ để cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng của Mỹ đối với năng lượng Nga, tập trung vào việc giảm thiểu tác động đến các gia đình.
Bà Psaki lưu ý rằng các quan chức chính quyền Biden gồm Brett McGurk và Amos Hochstein đã đàm phán với các nhà cung cấp toàn cầu về các nguồn năng lượng thay thế trong bối cảnh khủng hoảng ở Ukraine. Hai quan chức McGurk và Hochstein gần đây đã đến Saudi Arabia để thảo luận về vấn đề này.
Ông Biden cũng quan tâm đến việc phối hợp các hình phạt của mình với các đồng minh châu Âu, những nước không thích hạn chế dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga do phụ thuộc vào năng lượng của quốc gia này. Tuy nhiên, ý tưởng cấm năng lượng của Nga đã thu hút được sự quan tâm của lưỡng đảng ở Mỹ.
Dầu khí đem lại nguồn thu khổng lồ cho Nga và lệnh cấm nhập khẩu sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Nga vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Khoảng 3% các chuyến hàng dầu thô nhập khẩu vào Mỹ đến từ Nga trong năm ngoái.
Nga đóng góp khoảng 10% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu và là nhà sản xuất lớn thứ ba sau Mỹ và Saudi Arabia. Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng tại Thượng viện đã công bố dự luật hôm 3/3 nhằm ngăn chặn việc Mỹ nhập khẩu dầu mỏ của Nga./.