Mỹ tiếp tục thất bại trong cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh
Không quân Mỹ đặt kỳ vọng sẽ tiến hành ba cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh AGM-183 thành công trong năm nay để có thể chính thức triển khai vũ khí tối tân này vào năm 2022. Tuy nhiên, cả ba cuộc thử nghiệm đều thất bại.
Không quân Mỹ xác nhận với The War Zone rằng một cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh AGM-183A, hay còn gọi là Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) của Mỹ đã thất bại vào ngày 15/12.
Quan chức không quân Mỹ nói rằng họ vẫn chưa xác định được nguyên nhân của sự cố dẫn đến cuộc thử nghiệm thất bại. Nguyên mẫu tên lửa đã không thể tách khỏi khoang chứa bom trên máy bay B-52H.
Tướng Heath Collins, Giám đốc điều hành chương trình vũ khí của không quân Mỹ xác nhận với The War Zone: "Cuộc thử nghiệm đã bị hủy bỏ".
Đây là lần phóng thử thất bại thứ ba liên tiếp của tên lửa siêu thanh AGM-183A. Đợt thử nghiệm đầu tiên vào tháng 4 gặp trục trặc khi tên lửa không thể tách khỏi oanh tạc cơ B-52. Trong cuộc thử nghiệm thứ hai hồi tháng 7, tên lửa tách khỏi máy bay nhưng động cơ tên lửa không kích hoạt.
Không quân Mỹ và nhà thầu chính Lockheed Martin đặt nhiều kỳ vọng vào các cuộc thử nghiệm ARRW. Nhà sản xuất Lockheed Martin thậm chí đã khai trương một nhà máy mới vào tháng 10 vừa qua ở Alabama để sẵn sàng đưa tên lửa này vào sản xuất hàng loạt sau khi thử nghiệm thành công. Trước đây, không quân Mỹ cũng đã tuyên bố đang tiến tới mục tiêu đưa nguyên mẫu vũ khí này vào sử dụng trong tháng 9/2022.
Tuy nhiên, cho đến nay, ARRW vẫn thất bại trong quá trình thử nghiệm.
Tướng không quân John, hiện đã nghỉ hưu, cho biết: “Điều chúng ta cần phải lo lắng là trong 5 năm qua, hoặc có thể lâu hơn, Mỹ chỉ thực hiện 9 vụ thử tên lửa siêu thanh, trong khi Trung Quốc đã thực hiện hàng trăm vụ thành công”.
AGM-183A là một trong những chương trình tên lửa siêu vượt âm đang được phát triển cho không quân Mỹ, nhằm thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực này với các đối thủ như Nga và Trung Quốc.
AGM-183A được thả tự do từ máy bay như bom thông thường, sau đó kích hoạt động cơ tên lửa để giúp đầu đạn đạt tốc độ và độ cao phù hợp. Vỏ bảo vệ sau đó sẽ bung ra và đầu đạn lướt tới mục tiêu với tốc độ trên 6.000 km/h. Mỗi oanh tạc cơ B-52 có thể mang tối đa 4 quả AGM-183A.
Không quân Mỹ từng tiến hành 7 chuyến bay thử với mô hình tên lửa AGM-183A để thu thập dữ liệu định vị và tham số bay, kiểm tra khả năng tích hợp tên lửa lên nền tảng phóng B-52 và xây dựng quy trình vận hành. Lực lượng này chưa thử nghiệm nguyên mẫu AGM-183A hoàn chỉnh với đầy đủ động cơ và phương tiện lướt siêu vượt âm.