Mỹ tiết lộ thủ lĩnh tổ chức khủng bố IS 'đã chết' trong cuộc đột kích bí mật
Quân đội Mỹ vừa tiết lộ rằng họ đã thực hiện một chiến dịch đột kích bí mật nhằm vào một trong số các mục tiêu có giá trị cao nhất của họ là Abu Bakr al-Baghdadi - thủ lĩnh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn kế hoạch đột kích vào thời điểm 1 tuần lễ trước khi nó diễn ra.
Trong hôm thứ Bảy vừa qua, giữa lúc có nhiều thông tin về việc các máy bay trực thăng quân sự Mỹ xuất hiện trên bầu trời tỉnh Idlib của Syria, một quan chức giấu tên trong Lầu Năm Góc tiết lộ rằng một chiến dịch tuyệt mật nhằm tiêu diệt al-Baghdadi đã diễn ra tại "thành trì" cuối cùng của IS ở khu vực mà phe nổi dậy kiểm soát.
Một quan chức khác nhận được thông báo về kết quả chiến dịch sau đó nói với hãng Newsweek rằng al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong cuộc đột kích bí mật này. Đồng thời, Bộ Quốc phòng cũng thông báo với Nhà Trắng rằng họ "rất tin tưởng" rằng mục tiêu giá trị cao đã bị tiêu diệt chính là al-Baghdadi, dù việc xác nhận chính thức sẽ còn phải chờ để các cơ quan hữu quan xét nghiệm mẫu DNA.
Theo nguồn tin giấu tên từ Lầu Năm Góc, một cuộc đọ súng đã xảy ra vào thời điểm lực lượng Mỹ thâm nhập vào một khu nhà ở, và rằng al-Baghdadi sau đó tự sát bằng cách kích hoạt khối chất nổ gắn trên áo vest. Các thành viên trong gia đình kẻ này cũng xuất hiện vào thời điểm đó. Theo các nguồn tin của Lầu Năm Góc, không có trẻ em chịu tổn thương trong cuộc đột kích, nhưng 2 người vợ của al-Baghdadi đã thiệt mạng, có khả năng do vụ nổ lúc hắn tự sát.
Các thành viên của đội Delta thuộc Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt (JSOC) đã bắt đầu thực hiện chiến dịch đột kích bí mật sau khi nhận được một nguồn tin tình báo giá trị. Theo các nguồn tin từ Lầu Năm Góc, họ đã phải thực hiện kế hoạch do thám từ lâu mới nắm được vị trí chính xác của tay "trùm sò" IS.
Đêm hôm thứ Bảy, sau khi chiến dịch hoàn tất, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter: "Một sự kiện lớn vừa xảy ra!". Phía Nhà Trắng sau đó nói rằng Tổng thống sẽ đưa ra "bài phát biểu quan trọng" trong hôm Chủ nhật.
Hành tung bí ẩn
Abu Bakr al-Baghdadi, một công dân Iraq, là một giáo sĩ bảo thủ cực đoan. Kẻ này trỗi dậy trong bối cảnh làn sóng nổi dậy của các nhóm người Hồi giáo chống lại lực lượng Mỹ sau cuộc chiến năm 2003 ở Iraq. Kẻ này từng bị giam giữ trong các trung tâm của Mỹ gồm Abu Ghraib và trại Bucca - vốn được coi là nơi sản sinh ra nhiều thủ lĩnh của các nhóm thánh chiến sau này.
Al-Baghdadi sau khi thoát khỏi trung tâm giam giữ đã gia nhập al-Qaeda ở Iraq, leo dần lên các thứ hạng cao trong tổ chức khi mà al-Qaeda sáp nhập với các băng nhóm khác để hình thành Nhà nước Hồi giáo ở Iraq, cuối cùng trở thành thủ lĩnh đứng đầu vào năm 2010 sau khi người tiền nhiệm bị tiêu diệt trong một chiến dịch chung của Mỹ và Iraq.
Tận dụng việc Mỹ rút quân để mở rộng thế lực, al-Baghdadi đổi tên tổ chức thành Nhà nước Hồi giáo của Iraq và al-Sham, hay ISIS, vào năm 2013 và tìm đường mở rộng lãnh thổ sang nước lân bang Syria, nơi mà cuộc nội chiến đang diễn biến khó lường.
Lực lượng của al-Baghdadi nhanh chóng chiếm được phần lãnh thổ rộng lớn ở cả Iraq và Syria, và đến năm 2014 hắn tuyên bố thành lập một nhà nước kiểu Caliphate trong bài phát biểu tại nhà thờ Hồi giáo Al-Nuri ở Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq. Đây cũng là lần xuất hiện hiếm hoi của thủ lĩnh ISIS. Sau này, được biết đến dưới cái tên ngắn hơn là IS, tổ chức này bắt đầu thu hút sự quan tâm của toàn thế giới khi thực hiện nhiều hành động diệt chủng cùng hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào thường dân ở các nước phương Tây.
Mỹ sau đó gia nhập cuộc chiến ở Syria và hậu thuẫn các phe phái nổi dậy đang cố lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Lầu Năm Góc cuối cùng lựa chọn Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu làm đối tác trong chiến dịch đánh bại IS. Chính phủ Syria và cả SDF đều thực hiện các chiến dịch riêng rẽ nhằm đánh bại IS. Trong lúc hứng chịu đòn công kích từ nhiều lực lượng, IS điên cuồng tổ chức các vụ khủng bố đẫm máu ở Pháp, Đức, Anh và nhiều nước khác.
Trong những năm gần đây, IS liên tục thất trận và mất đi phần lãnh thổ mà chúng kiểm soát ở Iraq và Syria. Ngoài Mỹ ra thì cả Iran và Nga đều săn lùng thủ lĩnh của IS. Thế nhưng, có rất nhiều thông tin mâu thuẫn, rối loạn về al-Baghdadi, không một chính phủ nào nắm rõ được hành tung của kẻ này.
Dù có nhiều báo cáo về al-Baghdadi, nhưng điểm chung của các báo này xoay quanh cái gọi là khu vực Jazeera. Từng có thời điểm là "điểm nóng" các hoạt động động của IS, khu vực này đã được SDF và Mỹ tái chiếm, nhưng vị trí của kẻ cầm đầu vẫn không ai nắm được.
Đến tháng 2 năm nay, Phó Đô đốc Igor Kostyukov, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (GRU) của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, nói với hãng TASS rằng "vị trí của al-Baghdadi vẫn chưa xác định" nhưng kẻ này "chắc chắn không ở Idlib". Bởi vậy, rất nhiều người bất ngờ trước thông tin al-Baghdadi bị tiêu diệt trong cuộc đột kích bí mật của Mỹ.
Khi được hỏi rằng, cái chết của thủ lĩnh IS ảnh hưởng thế nào tới kế hoạch rút quân của Mỹ ở Syria, một cựu quan chức chống khủng bố của Mỹ nói với Newsweek rằng: "Nếu bạn đang định rời khỏi đó, bạn sẽ muốn tìm ra những mục tiêu của mình trước lúc rời đi".
(Theo Newsweek)