Mỹ tìm ra cách viện trợ Ukraine mà 'không phải tự bỏ tiền'
Mỹ đang hướng đến bổ sung các điều khoản vào dự luật viện trợ để thu giữ tài sản của Nga, thanh lý chúng và chuyển tiền cho Ukraine.
Ngày 1/5, lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết ông sẽ bổ sung các điều khoản vào gói viện trợ cho Ukraine trị giá 33 tỷ USD, để cho phép Mỹ tịch thu tài sản của các tài phiệt Nga và chuyển trực tiếp cho Ukraine số tiền thu được từ việc bán các tài sản này.
Phát biểu họp báo tại thành phố New York, ông Schumer nói: "Ukraine cần tất cả sự giúp đỡ mà họ có thể nhận được, cùng lúc đó, chúng tôi cần tất cả các tài sản mà chúng tôi có thể tập hợp được để cung cấp cho Ukraine những khoản viện trợ cần thiết".
Theo ông Schumer, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề nghị các nhà lập pháp bổ sung các điều khoản vào dự luật viện trợ để giúp họ thu giữ tài sản của Nga, thanh lý chúng và chuyển tiền cho Ukraine.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 29/4 cho biết, Chính phủ Mỹ chỉ còn 250 triệu USD tiền viện trợ cho Ukraine, và đang yêu cầu Quốc hội phê duyệt khoản viện trợ mới trị giá 33 tỷ USD càng sớm càng tốt.
Trước đó, Tổng thống Biden ngày 28/4 đã yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua khoản viện trợ trị giá 33 tỷ USD cho Kiev, trong một động thái đánh dấu sự tăng cường tài trợ một cách mạnh mẽ của Mỹ dành cho Ukraine, hơn 2 tháng sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.
Khoản viện trợ khổng lồ trên, mà các nhà lập pháp Mỹ muốn nhanh chóng thông qua, sẽ được sử dụng để cung cấp vũ khí, đạn dược và các hỗ trợ quân sự khác, cũng như viện trợ kinh tế và nhân đạo trực tiếp cho Ukraine.
(theo Reuters)