Mỹ tính chuyển tên lửa diệt hạm giúp Ukraine phá vòng vây trên biển
Nhà Trắng đang xúc tiến việc đưa tên lửa diệt hạm đến giúp Ukraine phá vòng vây trên biển của Nga, bất chấp lo ngại rằng những vũ khí mạnh có thể đánh chìm tàu chiến của Nga sẽ khiến cuộc xung đột càng tăng nhiệt.
Ukraine không giấu diếm mong muốn có được những vũ khí tiên tiến hơn của Mỹ ngoài lựu pháo, tên lửa Javelin và Stinger. Danh sách đề nghị của Kiev còn có những tên lửa có thể đẩy Nga khỏi các cảng trên Biển Đen, từ đó cho phép nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc và nông sản khác ra nước ngoài.
Reuters dẫn lời các quan chức và nghị sĩ Mỹ cho biết, những trở ngại với việc gửi vũ khí mạnh hơn, tầm xa hơn cho Ukraine hiện nay là vấn đề huấn luyện, bảo dưỡng vũ khí, cũng như lo ngại rằng vũ khí của Mỹ có thể rơi vào tay Nga và làm leo thang xung đột.
Tuy nhiên, 3 quan chức và 2 nghị sĩ Mỹ cho biết 2 loại tên lửa diệt hạm, gồm Harpoon của Boeing và tên lửa do Kongsberg và Raytheon chế tạo đang được cân nhắc chuyển cho Ukraine, có thể thông qua một đồng minh châu Âu đang có những loại này.
Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Bồ Đào Nha cung cấp tên lửa Harpoon, loại vũ khí có tầm xa lên đến gần 300km.
Hiện còn nhiều vấn đề đang được tính đến, như khả năng hạn chế khi phóng Harpoon từ bờ, vì đây chủ yếu là loại phóng từ biển.
Hai quan chức Mỹ cho biết Washington đang tìm kiếm giải pháp, có thể bằng cách lấy bệ phóng từ một tàu chiến của Mỹ.
Hiện có khoảng 20 tàu của Hải quân Nga, trong đó có một số tàu ngầm, đang hoạt động trên Biển Đen, theo ước tính của Bộ Quốc phòng Anh.
Bryan Clark, một chuyên gia hải quân tại Viện Hudson (Mỹ), nói rằng 12-24 tên lửa diệt hạm như Harpoon, với tầm xa hơn 100km, là đủ để đe dọa các tàu Nga và khiến Mátxcơva phải dừng phong tỏa.
Nga đã hứng một số thiệt hại trên biển, đáng kể nhất là vụ chìm tuần dương hạm tên lửa Moskva trên Biển Đen.