Mỹ tính ra luật đấu với Trung Quốc ở hàng loạt mặt trận
Mỹ sắp bàn thông qua luật đối phó Trung Quốc trên nhiều mặt trận, đây là động thái cứng rắn nhất của lưỡng đảng dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Ngày 8-4, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện - nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez và nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch giới thiệu dự luật “Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược 2021” với nội dung tập trung đối phó Trung Quốc (TQ), theo hãng tin Reuters. Trước mắt, dự kiến Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ sẽ thảo luận, bỏ phiếu về dự luật trong cuộc họp ngày 14-4 tới.
Dự luật “nặng ký”
Dự luật dài 283 trang đề ra một lượng lớn giải pháp đối phó TQ ở hàng loạt mặt trận: Kinh tế - thương mại, Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, đối phó tốt hơn các chiến dịch quân sự cũng như các tuyên bố chủ quyền quá đáng của TQ.
Về kinh tế - thương mại, Mỹ sẽ mở rộng phạm vi của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), nơi xem xét kỹ lưỡng các giao dịch tài chính về các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn. Về Đài Loan, Mỹ sẽ củng cố thêm quan hệ, dỡ bỏ mọi hạn chế trong việc tiếp xúc giữa quan chức Mỹ với quan chức lãnh thổ này, trừng phạt thêm các quan chức TQ.
Dự luật phản ánh quan điểm cứng rắn và thống nhất của lưỡng đảng Mỹ nên khả năng dự luật được thông qua rất cao.
Theo hai tác giả của dự luật là
nghị sĩ Dân chủ BOB MENENDEZ và nghị sĩ Cộng hòa JIM RISCH
Về Tân Cương, dự luật kêu gọi trừng phạt thêm các quan chức TQ liên quan các cáo buộc cưỡng bức lao động và vi phạm nhân quyền ở địa phương này. Dự luật cũng đề xuất chi 10 triệu USD để “thúc đẩy dân chủ” ở Hong Kong, yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ ra báo cáo về “quy mô chính phủ TQ lợi dụng vị thế của Hong Kong để lẩn tránh luật pháp và sự bảo vệ của Mỹ”. Về Biển Đông, Mỹ sẽ buộc Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài quốc tế.
Dự luật đề xuất các khoản đầu tư vào quân sự cần thiết “để đạt được các mục tiêu chính trị của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD)”, đồng thời đẩy lùi các hành động hung hăng của Bắc Kinh trong khu vực. Dự luật đề xuất tổng cộng 655 triệu USD tài trợ cho Quỹ Quân sự nước ngoài nhằm đối phó Bắc Kinh trong giai đoạn 2022-2026 và tổng 450 triệu USD cho Sáng kiến An ninh hàng hải AĐD - TBD và các chương trình liên quan trong cùng giai đoạn. Dự luật cũng kêu gọi Quốc hội phải đảm bảo ngân sách liên bang được “điều chỉnh phù hợp” với mục tiêu chiến lược là cạnh tranh với TQ.
Dự luật kêu gọi Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với đồng minh, đối tác ở AĐD - TBD, tăng cường khuyến khích các đồng minh có thêm các hành động đối phó các “hành vi hiếu chiến và quyết đoán” của Bắc Kinh, bao gồm cả việc cùng nhau kiểm soát vũ khí.
Quan hệ Mỹ-Trung sẽ đến mức nào nếu Mỹ thông qua luật?
Dự luật được Mỹ đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang chạm đáy với những bất đồng xung quanh nhiều vấn đề như Đài Loan, Tân Cương, Hong Kong, Biển Đông... Đây được xem là động thái mạnh tiếp theo của Mỹ sau hàng loạt hành động, phát ngôn cứng rắn với TQ, mà nổi bật là việc điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến Biển Đông cũng như tăng tập trận trong khu vực.
Mỹ trừng phạt bảy công ty siêu máy tính Trung Quốc
Theo hãng tin Sputnik ngày 8-4, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đã đưa bảy công ty siêu máy tính của TQ vào danh sách đen trừng phạt với cáo buộc “gây bất ổn cho nỗ lực hiện đại hóa quân đội”.
Nói về động thái trên, Bộ Thương mại Mỹ cho biết các công ty này đã đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Mei Xinyu, một nhà nghiên cứu tại Học viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại TQ, động thái này của Mỹ không phải là biện pháp mới mà chỉ là bước thắt chặt hơn các giải pháp mà Mỹ đã áp dụng trước đây. Ông này tự tin rằng các lệnh trừng phạt của Washington chỉ thúc đẩy các công ty TQ nghiên cứu và phát triển hơn nữa để xóa bỏ khoảng cách công nghệ với Mỹ.
Đài Loan là một trọng tâm của dự luật và được xác định là “một phần quan trọng trong chiến lược AĐD - TBD của Mỹ”. Các biện pháp rắn mà Mỹ đưa ra khả năng lớn sẽ khiến TQ phản ứng gay gắt nếu dự luật được thông qua. Khi đó, khả năng TQ sẽ có những động thái cứng rắn hơn ở eo biển Đài Loan. Điều này có thể vô tình gây ra những va chạm giữa các bên trong khu vực.
Bên cạnh đó, các biện pháp Mỹ định sẽ áp dụng với Tân Cương, Hong Kong khả năng lớn cũng sẽ làm xấu hơn nữa quan hệ vốn được cho đã chạm đáy của hai nước. TQ lâu nay vẫn xem Hong Kong và Tân Cương là vấn đề nội bộ và tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước Mỹ và phương Tây.
Và một điều quan trọng nữa, chưa biết diễn tiến quan hệ hai nước sẽ phức tạp thêm thế nào khi các chiến lược Mỹ định áp dụng để ngăn cản TQ ở AĐD - TBD nếu thành hình.•